Câu hỏi: Lời trước hết, xin cảm ơn Ngài đã cung cấp cho chúng tôi một nơi trú ngụ trong hoàn cành ngặt nghèo này. Và câu hỏi của tôi là: hàng ngày đều có hàng đoàn chư tăng đi vào thành phố khất thực. Họ là những tu sĩ chuyên trú tại trú xứ này; và chúng tôi vẫn đang tiếp xúc với những người bên-trong-trung-tâm khi Ngài nói rằng không nên tương tác với xã hội bên ngoài, bên ngoài Thabarwa. Nhưng họ vẫn đang tiếp xúc với những người ngoài kia rồi sau đó quay về trung tâm. Vậy Ngài nghĩ gì về điều đó? Làm thế nào để ngăn chặn, phòng ngừa việc mang virus vào Thabarwa Thanlyin?
– “Các việc thế gian thì không an toàn và sinh ra những hệ quả thứ phát. Vì khi làm việc cho bản thân, cho trách nhiệm gia đình, cho đồng tiền… tam độc tham – sân – si sẽ khởi lên mạnh mẽ hơn trong tâm. Lúc đó những bất toại nguyện, phiền não, bệnh tật chắc chắn cũng được sinh ra.
Tôi có trách nhiệm với nhiều người ở đất nước này bởi vì tôi là một công dân Miến Điện. Bên cạnh đó tôi là một nhà sư, do đó nhiều Phật tử nương tựa vào Pháp cũng liên quan đến tôi. Chúng tôi đang hợp lực cùng nhau, có trách nhiệm với nhau. Là một nhà sư, cá nhân tôi chịu trách nhiệm cho Tăng đoàn, cho những người đặt lòng tin vào Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Là người Miến Điện, là Phật tử, chúng tôi chịu trách nhiệm với Phật, Pháp và Tăng. Tôi phải suy nghĩ không chỉ cho bản thân, mà còn cho Tăng chúng, không chỉ cho người dân ở đây mà cả xã hội. Vì vậy, tôi muốn họ được hợp lực với chúng tôi để làm thiện pháp. Bố thí vật thực là một pháp hành dễ thực hiện tại đất nước này. Nên chúng tôi cử hành lễ đặt bát hội tại các khu dân cư ở Yangon mỗi tuần. Cùng thực hành pháp thí như vậy trong nhiều năm, vì vậy chúng tôi tin tưởng lẫn nhau. Họ biết và tin tưởng vào trung tâm Thabarwa vì họ là những thí chủ chuyên cúng dường vật thực cho nơi này. Chúng tôi cũng rành rõ về họ và tương tác với nhau trong sự thực hành pháp thí một cách liên tục này. Trung tâm này hoạt động toàn thời gian nên chúng ta cần rất nhiều thực phẩm mỗi ngày. Thí chủ hoan hỉ bố thí vì biết thực phẩm còn được sử dụng cho người già và người bệnh tật và tất cả những người sống ở đây. Chư Tăng, chư Ni đang gầy dựng công đức, tất cả các thiền sinh, bệnh nhân, và những người sống ở đây cũng đều đang tích lũy phước báu cùng nhau. Điều đó chuẩn bị cho tương lai, trong trường hợp virus xâm nhập, liên lạc gián đoạn, không thăm viếng, không hàng quán, không kế sinh nhai, không có tiền và không có thức ăn, điều đó có khả năng xảy ra. Để giải quyết vấn đề này, [chúng ta cần tích lũy phước], chúng ta đang sử dụng thực phẩm để làm thiện pháp, để nuôi sống con người và động vật. Không cần phải lo lắng về thực phẩm vì chúng ta đã thực hành hạnh bố thí vật thực trong nhiều năm nay. Nếu không thì chúng ta chắc hẳn đang phải lo lắng vì thiếu nguồn vật thực. Không cần lo lắng, nhiều người chắc chắn sẽ hỗ trợ chúng ta khi cần thiết. Cạnh đó, chúng ta có thể thực hành nhịn ăn và thiền nằm [để hạn chế sử dụng năng lượng], vậy là chúng ta có thể chịu đựng ngay cả khi không có đủ vật thực.
Việc này cũng liên quan đến quy định của chính phủ nữa. Nếu họ cho việc tiếp tục thực hành pháp thí là an toàn, chúng ta có thể tiếp tục. Nếu họ cho rằng điều này đem lại nguy hiểm, chúng ta nên dừng lại. Từ phía Thabarwa tôi có thể đưa ra quyết định, nhưng từ phía các thí chủ, họ không thể tự quyết định, họ phải nghĩ về gia đình và bị ảnh hưởng bởi chính quyền địa phương. Điều này phụ thuộc vào điều kiện hiện tại; nếu không bên nào từ chối thì chúng ta có thể tiếp tục. Lúc nào tôi cũng phải giải quyết những chuyện như thế này, kinh nghiệm khiến tôi hiểu phải làm gì. Việc khất thực và thu thập thực phẩm từ thế gian rồi chia sẻ đến tất cả mọi người là thiện pháp tốt nhất liên quan đến vật thực, điều này không mang lại nguy hiểm cho trung tâm. Tuy nhiên, nghi ngại của đại chúng cho đến bây giờ về virus là vô cùng nghiêm trọng. Nỗi sợ đó có thể là vấn đề. Nếu thí chủ còn an tâm, chúng ta còn tiếp tục. Nếu các thí chủ trở nên sợ hãi hơn, chúng ta có thể dừng lại. Khi đó thì chúng ta có thể đi gần đây, trong làng tình thương Pháp Bảo chẳng hạn. Nếu có thể khất thực từng nhà thì khất thực từng nhà. Nếu cần tập trung gạo, rau… mọi thứ lại và chúng ta nhận tại một điểm, không cần tập trung nhiều người. Có nhiều cách, họ cũng có thể quyên góp và mang đến đây. Vấn đề này có thể được giải quyết, khả thi thôi. Những thí chủ nào không thể đến đây, ta lại có thể tới chỗ họ trong trường hợp thành phố không cách ly hoàn toàn. Trung tâm này là dành cho tất cả, rất nhiều người quan tâm đến chúng ta, chúng tôi sẽ cố gắng tìm giải pháp tốt nhất.
Tâm là quan trọng nhất trong khi làm pháp thiện. Nếu bạn cho là không an toàn, thì chắc chắn bạn sẽ không được an toàn vì nguy hiểm đã sinh khởi trong tâm bạn. Tâm có thể tạo ra những điều tốt và xấu. Chúng ta nên cố gắng chuyển hóa tâm mình. Chúng ta đang làm thiện pháp cùng nhau, chúng ta đang sử dụng tâm của chính mình và cả cái hợp tâm của toàn bộ trung tâm. Thân và tâm đi cùng nhau. Nếu điều kiện cho phép chúng tôi sẽ tiếp tục đi bát, còn không thì chúng tôi dừng lại. Tùy thuộc vào tình thế, chúng ta sẽ làm thiện pháp một cách uyển chuyển. Chúng ta không cần phải tự tìm kiếm quyết định. Theo tôi được biết thì cho đến bây giờ rất nhiều người vẫn muốn được cúng dường. Hôm qua, tôi đi khất thực trong làng Good Will. Họ đã đi ra đường và cúng dường nhiều thứ. Trong tình huống này, họ biết mình đang gặp nguy hiểm nên càng muốn thực hành hạnh bố thí. Họ tin rằng chỉ làm những điều thiện mới có thể bảo vệ được họ. 750 USD đã được thu về từ làng tình thương Pháp Bảo cùng rất nhiều thực phẩm khác.”
Câu hỏi: Tôi không chắc là câu trả lời của Ngài giải đáp được thắc mắc của tôi. Ngài có thực sự tin rằng những người đi ra ngoài khất thực kia sẽ được bảo vệ khỏi virus vì sức mạnh của việc làm thiện pháp?
– “Tôi đã và đang thực hành hạnh khất thực trong 17 năm nên tôi thực sự thành thục và am tường thiện pháp này. Hầu hết mọi người dân Miến Điện hiểu rằng khi họ sắp chết, họ càng phải làm nhiều việc tốt hơn. Trong điều kiện hiện nay, hầu hết các quốc gia đang gặp nguy hiểm, nên càng có nhiều người hoan hỉ làm điều thiện. Vì vậy nên chúng tôi cần phải đi khất thực. Trong điều kiện hiện tại, không phải ai muốn hành thiện cũng có thể làm được, mọi thứ trở nên khó khăn. Đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh hãy thực hành thiện pháp, mở cửa trung tâm và làm nhiều việc thiện hết mức có thể. Theo cách này chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến thiện quả được dẫn dắt đến nhờ sự thực hành. Nếu không làm thì chắc chắn chúng ta không tài nào hiểu được, chỉ có bằng cách thực hành chúng ta mới có thể hiểu được thôi.
Những lời khuyên của các thầy thuốc và các chuyên gia y tế lắm lúc cũng không giống nhau. Thật khó để phân biệt cái gì là hoàn chỉnh, cái gì đúng hay sai; hai bác sĩ có thể đưa ra hai chẩn đoán, các kỹ sư cũng vậy thôi. Thật khó để vững lòng tin khi nghe theo bác sĩ, không có gì là chắc chắn trong đời sống thế gian, nhưng sự thật về Pháp (Dhamma) và luật nhân quả là trọn vẹn. Đó là tại sao tôi hoàn toàn dựa vào nhân quả, tin vào pháp thiện. Không chỉ đối với tôi, sự thật dành cho tất cả. Nếu sống đời độc cư, tôi chắc chắn an toàn. Nếu tôi giao tiếp với tất cả mọi người, thì không an toàn nữa. Từ năm 2007, tôi đã làm những thiện pháp như thế này, tôi có kinh nghiệm và trở nên thiện xảo trong làm việc nhóm, không để khởi lên các nghiệp bất thiện trong tôi và người khác. Nếu tâm của bạn ổn, bạn sẽ an toàn và ngược lại. Nếu bạn làm thiện pháp, tâm của bạn cần phải bình lặng và trong sạch. Điều kiện này là sự bảo vệ tốt nhất cho tất cả. Ta chỉ cần kiểm soát tâm của chính mình, chắc chắn ta không thể kiểm soát tâm của người khác.
Ở một số nước phát triển, họ có thể kiểm soát dịch trên phạm vi toàn quốc. Còn ở Miến Điện, nhất là làng tình thương Pháp Bảo và ở Trung tâm Thabarwa Thanlyin thì rất khó. Ở đây có rất nhiều thành phần, nhiều người già, người bệnh, bệnh nhân tâm thần và bên làng tình thương thì rất nhiều trẻ nhỏ. Mặt nạ bảo vệ, dung dịch vệ sinh, thuốc men… không thể đủ cho tất cả. Luật pháp và các quy định không thể bảo vệ tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tiếp tục thực hành thiện pháp nhiều và nhiều hơn nữa.”