“Chúng ta chỉ cần chánh niệm thân và tâm. Khi là cư sĩ tại gia, chúng ta thường chỉ để tâm đến những thành viên trong gia đình mình. Sự chú tâm đó tạo nên sự dính mắc giữa các thành viên trong gia đình. Sự thực hành chánh niệm với đối tượng là chính thân tâm mình giúp ta tiêu giải sự dính mắc trên. Chúng ta chung sống trong gia đình nhưng đừng dính mắc vào những người thân của mình. Dính mắc là nguồn gốc của mọi khổ đau. Dính mắc càng nhiều, khổ đau càng nhiều. Chỉ cần chánh niệm trên thân và tâm của bản thân mình. Chỉ có nhân và quả của Bản chất vô-thường-luôn-mới. Bản chất vô-thường-luôn-mới là không phải cái gì đó, không phải ai đó, không phải những gì bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Là một thiền sinh, chúng ta phải đại diện cho Bản chất vô-thường-luôn-mới, không phải cái gì đó, không phải ai đó, không phải những gì bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Hãy khép hờ đôi mắt. Thư giãn toàn bộ thân và tâm. Giữ đầu, cổ và lưng thẳng, thả lỏng cơ bắp. Buông xả đi những năng lượng lo âu. Rướn người cao lên, đừng để trọng lượng cơ thể kéo bạn chùng xuống. Chúng ta cần ngồi yên và im lặng. Chúng ta không cần thực hành với sự thôi thúc. Hãy tự nhiên. Hãy hòa làm một với Bản chất vô-thường-luôn-mới. Chúng ta cần buông bỏ bám víu vào ai đó, cái gì đó, thời gian và không gian hữu hạn.
Hiện tại, chúng ta đang ngồi cùng nhau trong chánh điện, nên tâm chúng ta đang sử dụng đây giờ là hợp tâm của một nhóm người. Khi thực hành độc lập và không nghĩ về ai hay điều gì cả, có nghĩa là ta sử dụng tâm của chính mình. Còn khi ta nghĩ cho người khác việc khác thì tâm đó là tâm của một nhóm. Tâm mà chúng ta đang sử dụng đây sẽ luôn thay đổi tùy thuộc theo thời gian, nơi chốn và điều kiện. Chúng ta không thể dừng lại bản chất tự nhiên luôn thay đổi của tâm. Chúng ta nên chỉ-sử-dụng-mà-thôi trong chánh niệm. Kiếp sống này cũng đổi thay luôn luôn theo thời gian. Chúng ta lớn lên và già đi. Sanh, lão, bệnh, tử. Chúng ta chỉ cần buông bỏ, chỉ-sử-dụng-mà-thôi trong chánh niệm. Chúng ta nên cố gắng để đại diện cho Sự thật, cho nhân quả của Bản chất vô-thường-luôn-mới. Thường tình chúng ta quen thể hiện bản ngã: ta và người khác, thể hiện tính sở hữu: của tôi và của người khác. Giờ đây chúng ta cần chỉ-sử-dụng-mà-thôi cùng với chánh niệm và xả li.
Bản chất vô-thường-luôn-mới và Bản chất thường hằng là Sự thật gốc (Chân đế). Chúng sinh hữu tình và chúng sinh vô tình chỉ là Sự thật tạo tác (Tục đế). Sử dụng với sự chấp giữ là sai, chỉ-sử-dụng-mà-thôi mới là đúng đắn. Chúng ta có thể sử dụng thân và tâm này mà không nắm giữ như cái gì đó hay ai đó mà ta sở hữu. Ta đã luôn chiếm giữ ai đó, cái gì đó với ý niệm đó là tài sản của mình. Cần từ bỏ thói quen nắm giữ đó trong tâm. Dính mắc càng nhiều, ham muốn càng nhiều. Chúng ta cần làm mọi loại pháp thiện, bao gồm việc hành thiền. Nhưng chúng ta không nên giữ cái ý niệm tôi hay ai đó, của tôi hay của ai đó. Thân và tâm này có thể dùng để hành thiền nhưng không nên hiểu là “tôi” đang hành thiền. Hành thiền mang lại lợi ích cho tất cả, không phải cho cái tôi này, cái thân này, kể cả khi ta ngồi thiền một mình, bởi lúc nào cũng có rất nhiều người cũng đang hành thiền một mình như ta trên khắp thế giới. Chúng ta tự do sử dụng thân và tâm này nhưng không nên dính mắc về việc sở hữu nó. Chỉ-sử-dụng-mà-thôi với sự xả li là đúng đắn, ngay cả khi ta đang có dính mắc, hãy nhận biết là ta đang có dính mắc ngay giây phút đó. Nhận biết Sự thật là sự hiểu biết đúng. Càng hiểu về dính mắc bao nhiêu thì càng hiểu về xả li bấy nhiêu. Chúng ta không nên giữ một cái ngã trong tâm mà nên dung chứa mọi người, mọi vật trong tâm mình.
Chúng ta đang thực hành trong một khóa thiền, tại một trung tâm thiền, nhiều thiền sinh sử dụng trung tâm thiền này với sự dính mắc. Nếu chúng ta không biết về dính mắc của mình, chẳng bao giờ chúng ta được giải thoát khỏi nó. Hiện tại, chúng ta đang làm những điều thiện, bằng cách trì giới và thanh lọc tâm. Hành vi đúng thôi là chưa trọn vẹn, chúng ta cần có quan kiến đúng. Lời giảng của tôi là về Sự thật, sẽ rất hữu dụng để các bạn có được quan kiến đúng. Hiểu về Sự thật và có quan kiến đúng cũng chưa trọn vẹn. Chúng ta cần phải làm những điều thiện. Một số người chỉ có khả năng hành thiện mà không hiểu rõ về việc hành thiện, số khác thì ngược lại, biết về những điều thiện nhưng không có khả năng thực hành. Họ nên phối hợp thực hành cùng nhau, học hỏi nhau. Nhiều thiền sư sẽ nhấn mạnh vào quan kiến đúng đắn, nhiều vị khác sẽ nhấn mạnh lên hành vi đúng đắn, nhiều vị thì nhấn mạnh vào suy nghĩ đúng đắn. Đã như vậy thì, chúng ta nên học hỏi lẫn nhau và làm việc cùng nhau. Nhưng quan trọng nhất là chỉ-làm-mà-thôi với chánh niệm và xả li. Chỉ-làm-mà-thôi hay chỉ-không-làm-mà-thôi; chỉ-kinh-nghiệm-mà-thôi hay chỉ-không-kinh-nghiệm-mà-thôi; chỉ-biết-mà-thôi hay chỉ-không-biết-mà-thôi; chỉ-sử-dụng-mà-thôi hay chỉ-không-sử-dụng-mà-thôi: đó là Con Đường Trung đạo.
Việc làm-gì-đó và không-làm-gì thì dễ để hiểu nhưng để hiểu về chỉ-làm-mà-thôi hay chỉ-không-làm-mà-thôi thì không dễ dàng gì. Vô minh và dính mắc là nguyên cớ khiến ta không hiểu được Con Đường Trung đạo. Đó là lí do chúng ta cần buông bỏ vô minh và dính mắc của chính bản mình. Không có sự hộ trì của Phật, Pháp và Tăng thì khó mà nhận biết được vô minh và dính mắc. Đó là lí do chúng ta buộc phải nương tựa vào Tam bảo. Đất đai, nhà cửa ở trung tâm Thabarwa Shwe Chaung này được cúng dường nhờ sức mạnh của Tam Bảo. Pháp (dhamma) ở trung tâm thiền là sự thực hành những hành vi bố thí (dana), trì giới (sila) và hành thiền (bhavana), như chúng ta đang thực hành ở trung tâm thiền này. Bố thí gồm có bố thí tiền bạc và vật chất (thí tài), làm những việc thiện nguyện (công đức) và chia sẻ hiểu biết đúng (thí pháp). Trì giới bao gồm không sát sanh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không dùng rượu và các chất say; không ăn quá giờ ngọ; không trang điểm, dầu thơm; không múa hát và xem múa hát. Thiền là thanh lọc tâm, giữ tâm bình lặng và trong sạch. Hãy chánh niệm mọi lúc. Hãy kiên nhẫn, không vội vàng. Hãy buông bỏ tâm nắm giữ. Đừng hành động với sự thôi thúc. Chú trọng vào tâm ngay trong thời điểm hiện tại. Tôi có khả năng giảng giải về Con Đường Trung Đạo, bạn phải có khả năng theo đuổi Con Đường Trung Đạo. Không có kết thúc theo cách này hay cách kia, chỉ có Con Đường Trung Đạo mới là con đường giải thoát. Chỉ-sử-dụng-mà-thôi. Nắm giữ là sai lầm.”