Thanh lọc tâm thôi thì chưa đủ, chúng ta cần thanh lọc cuộc đời mình – chấp nhận bản chất nhị nguyên

Tháng Một 8, 2020
Thời gian đọc:

“Nếu thanh lọc tâm thôi thì chưa đủ, chúng ta cần thanh lọc cuộc đời mình. Bằng cách không làm bất cứ điều gì ngoài các việc thiện. Chúng ta cần từ bỏ diện mạo, từ chối mặc bất cứ gì ngoài y áo chư tăng, tu nữ hoặc thiền phục của một thiền sinh. Chúng ta nên hạn chế mọi sự tiếp cận thế gian, duy chỉ gần gũi Phật – Pháp – Tăng, các thiền sinh và tình nguyện viên để thực hành thiện pháp. Chúng ta cần từ bỏ mọi trú xứ, chỉ ở tại các tu viện, trường thiền hoặc nơi rừng vắng, sống đời độc cư. Đây là cách sửa chữa những lỗi sai đã huân tập lâu ngày, tập khí nắm giữ và những cách sử dụng tâm sai trái .

Bất kì phương pháp nào chúng ta dùng, chúng ta cần chỉ-sử-dụng-mà-thôi để theo đuổi Con Đường Trung Đạo – đây là cách để sửa chữa lỗi lầm của chúng sanh. Đó là bản chất tự nhiên của cả loài hữu sanh lẫn tự nhiên vô thường. Bản chất tự nhiên của chúng sanh hay phi chúng sanh luôn có sự song hành của cái tốt và xấu, cái đúng và cái sai, trẻ và già, sinh và tử, trí tuệ hay không trí tuệ, thông minh và ngu ngốc, mất mát – thất bại và thành công, gặp gỡ và chia ly, ta không thể chọn chỉ một vế nào cả, chúng ta cần chấp nhận cả hai. Không thể chỉ chấp nhận cái tốt, chúng ta cũng cần chấp nhận cái xấu. Không thể chỉ chọn được sống, chúng ta phải chấp nhận mình sẽ phải chết. Thường thì ta luôn chối bỏ cái xấu. Khi chọn cái xấu, ta sẽ chối bỏ cái tốt và ngược lại. Khi chọn chủ nghĩa xã hội, ta sẽ chối bỏ chủ nghĩa dân chủ. Ngược lại khi đã chọn chủ nghĩa dân chủ, ta sẽ khước từ chủ nghĩa xã hội. Thực tế, chúng ta không thể chối bỏ cái đối nghịch kia ngay cả khi ta chọn cái mình thích. Điều đó là hiển nhiên. Đó là lí do luôn tồn tại sự mâu thuẫn giữa những thế lực hay nguồn năng lượng đối lập. Chúng ta không thể chấm dứt sự mâu thuẫn, mâu thuẫn thuộc về bản chất của tự nhiên.

Kể cả trong một đời sống của một bậc thánh, hẳn cũng có sự mâu thuẫn giữa tốt và xấu, đúng và sai nhưng vi tế hơn, không ồn ào, gay gắt. Ví dụ, làm với tâm cưỡng cầu là xấu, còn chỉ-làm-mà-thôi thì là tốt, đó là tốt và xấu dưới góc nhìn của một bậc thánh. Chỉ-làm-mà-thôi là điều cần thiết trong mọi hành vi. Kể cả khi làm với sự thôi thúc cưỡng ép, ta nên cố gắng chỉ-làm-mà-thôi. Khi ta hành động một cách tự nhiên, đó sẽ là chỉ-làm-mà-thôi với sự hay biết trong hiện tại về những ưa thích hay ghét bỏ hoặc thậm chí là sự thiếu vắng chánh niệm. Làm có chủ đích thì xấu, hành động thuận theo tự nhiên thì tốt. Trong hàng cư sĩ, sẽ rất khó để nhiều người có thể hiểu. Nhưng nếu chúng ta cố gắng tìm hiểu và thực hành theo cách này, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu và làm được.

Đó là lí do tại sao chúng ta nên cố gắng, tất cả chúng ta. Có thể không được như mong muốn, nhưng chắc chắn thành quả đạt được sẽ ngang bằng với sự cố gắng của chúng ta. Khi làm những chuyện thế gian, ta nên cố gắng chấp nhận bản chất nhị nguyên của tốt và xấu, đúng và sai. Nếu chúng ta không chấp nhận, chúng ta đang chối bỏ tự nhiên và chắc chắn sẽ chỉ thấy đâu cũng là vấn đề, bất tiện và khó khăn. [Còn nếu ta chấp nhận] Thì thậm chí chúng ta phải trải qua những điều không tốt đẹp mấy ta cũng có thể chịu đựng được. Do đó việc hiểu bản chất của sự sống là quan trọng. Và cũng quan trọng để biết bản chất của sự thật tối thượng hay là vô thường và thường hằng.

Nếu chúng ta không thể sử dụng đúng đắn các chúng sinh vô tình và chúng sinh hữu tình một cách tự nhiên: chỉ sử dụng mà thôi – chỉ không sử dụng mà thôi – chỉ trải nghiệm mà thôi – chỉ không trải nghiệm mà thôi – chỉ hay biết mà thôi – chỉ không hay biết mà thôi – chỉ làm mà thôi – chỉ không làm mà thôi, thì đương nhiên, chúng ta không thể nào hiểu được những sự thật tối thượng hay Paramatha (đệ nhất nghĩa đế). Chỉ khi chúng ta có khả năng sử dụng chúng sinh – phi chúng sinh một cách đúng đắn bằng việc chấp nhận sự không hoàn hảo hoặc bản chất đối nghịch của chúng. Chúng ta có thể được thành tựu như ý việc giác ngộ. Vì thế ta chẳng cần phải thay đổi bất cứ gì ngoài chính thân và tâm ta, bằng cách này chúng ta có thể tiếp tục kham nhẫn và được tự do. Chúng ta chỉ cần chấp nhận tốt như là tốt, xấu như là xấu, đúng như là đúng, sai như là sai.

Nhờ vào việc tự do thực hành thiện pháp, nơi đây, tại thiền viện Phước Sơn này, các tu nữ và thiền sinh Thái Lan cũng có được cơ hội hiểu về những điều đúng đắn, về Con Đường Trung Đạo. Khi một người hiểu, những người khác cũng có cơ hội để hiểu về Con Đường Trung Đạo. Điều này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để càng nhiều người, càng nhiều nơi chốn tiếp bước trên Con Đường Trung Đạo. Từ đó, ta có thể thành tựu được rất nhiều điều.”

Người đóng góp: