Thabarwa tự bảo vệ mình bằng việc làm thêm thiện pháp

Tháng Ba 31, 2020
Thời gian đọc:

“Chúng ta được cúng dường một số quần áo bảo hộ cho những y tá và bác sĩ tình nguyện tại đây; họ sẽ tiếp tục mang đến 5 bộ nữa. Đã có bệnh nhân bị lây nhiễm vi-rút tại nội ô Yangon, không xa thị trấn Thanlyin của chúng ta là mấy. Nhiều người đang lo lắng về trung tâm vì chúng ta có nhiều người già và yếu. Hiện tại những kết nối dần gián đoạn, lệnh giới nghiêm đã được chính phủ ban hành. Một số người còn muốn đóng cửa các xí nghiệp, họ tin rằng việc đóng cửa xí nghiệp, siêu thị, hàng quán… có thể làm tăng hiệu quả đẩy lùi sự lây lan của vi-rút. Họ muốn thi hành trong 2 tuần, đặc biệt ở vùng hành chính Yangon. Đó là cách phòng hộ thông qua việc tuân thủ luật pháp và những nguyên tắc.

Nhưng thi hành lệnh đóng cửa dường như vất khả thi với trung tâm Thabarwa. Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu gửi thiền sinh đến những trung tâm Thabarwa khác để có những tòa nhà trống cho tình nguyện viên mới. Nhưng nếu đóng cửa toàn trung tâm, ta không thể nhận thêm tình nguyện viên và thiền sinh mới, đặc biệt là người ngoại quốc. Họ không có nhiều nơi để đến trong tình cảnh này. Chúng tôi muốn xử lí vấn đề về người ngoại quốc tại Myanmar. Thế nên chúng tôi đang cố gắng giảm số lượng cư dân ở đây, để sẵn sàng cho những ai cần nơi trú ngụ. Nếu chúng ta đóng cửa trung tâm này thì những nơi công cộng khác cũng sẽ đóng cửa theo. Thế nên bây giờ không phải lúc nghĩ về chuyện đó. Dù có làm thì chúng ta cũng trì hoãn đến lâu nhất có thể. Chúng ta cần cập nhật tình hình vi-rút, cũng nên học hỏi từ những quốc gia khác. Rất nhiều người nghĩ sẽ có một trận bùng phát dịch diễn ra ở Myanmar và đang cố gắng thực hiện mọi biện pháp ngăn chặn.

Một số người ngoại quốc ở đây muốn được sinh hoạt chung với nhau, số khác lại muốn ở biệt lập. Một số không muốn ở lại đây mà muốn chuyển đến những trung tâm Thabarwa khác, họ cảm thấy nơi đây nguy hiểm. Thế nên chúng tôi cũng đang tìm những trú xứ khác cho người nước ngoài, cho cả người Miến Điện nữa. Tôi đang di tản người ra khỏi một số tòa nhà để tổ chức một khóa tiền, với mong muốn phòng vệ khỏi dịch cúm. Hiện tại thiền đường tại bệnh viện Pháp Bảo sáu tầng đã có những tình nguyện viên mới chuyển đến ở, họ sẽ cách ly tại đó trong 2 tuần. Tôi nhận thấy họ rất hoan hỉ khi đến được đây. Những tình nguyện viên và thiền sinh mới đến đều sẽ được cách ly tương tự, vậy nên ta cần chuyển người cũ đi nơi khác. Trước mắt ta có hai sự lựa chọn, một khu đất rừng và một tu viện, cả hai đều nằm ở Hlegu. Họ đồng ý tiếp nhận từ 5 đến 10 tình nguyện viên trong vòng ít nhất 1 tháng.

Nhiều người tại chính trung tâm này dính mắc vào vấn đề vi-rút và những hướng dẫn của bác sĩ. Họ muốn tuân thủ các kiến nghị y tế. Trong trung tâm này thì khó sinh hoạt tách biệt được nên chúng tôi đang cố sắp xếp để giải quyết vấn đề. Vấn đề này ở trong tâm và vi-rút cũng ở trong tâm. Nên chúng tôi đang cố đẩy lùi vi-rút trong tâm. Chúng ta sẽ sử dụng những bộ quần áo bảo hộ này vì nó làm an lòng một số người nhưng nó cũng sẽ làm phát sinh những hệ lụy. Người trong làng có thể hiểu nhầm rằng vi-rút đã lây đến đây khi họ nhìn thấy những bộ đồ bảo hộ này. Nhưng cũng không quan trọng, chúng ta sẽ giải thích được. Hiện giờ đang thiếu tình nguyện viên nên dẫn đến quá tải người già và bệnh nhân. Thực hành thiện pháp là điều cấp bách. Ta cần thực hành thiện pháp cho tất cả, cho đất nước này, cho nhân loại. Chúng ta cần phải cố tìm được giải pháp để thoát khỏi phiền não về đại dịch này.

Chúng ta cũng đang trưng dụng trường tiểu học trong làng tình thương Pháp Bảo ở cạnh đây để cách ly những dân làng đi xuất khẩu lao động trở về trong toàn khu vực; chúng ta cần phải hỗ trợ thức ăn và nhu yếu phẩm cho họ. Tôi sẽ trực tiếp đến đó để giảng Pháp. Ngoài việc cách ly, chúng ta cũng sẽ tổ chức khóa thiền ở đó để ngăn ngừa vi-rút. Chúng tôi sẽ cử chư tăng, tu nữ và một số cư sĩ đến đó để giảng Pháp cho những người trong diện cách ly. Họ sẽ sinh hoạt biệt lập với những người khác. Đó cũng là cách mà ta sẽ áp dụng cho những người mới đến làng Pháp Bảo và ở đây. Sẽ khá đông, tôi nghĩ mình sẽ rất bận rộn trong việc giảng Pháp cho họ.

Cũng nhờ những thời trình pháp như thế này mà tôi có được ý tưởng sử dụng trung tâm này cho những người mới đến. Chúng ta không chỉ tiếp nhận người đến với trung tâm mà cả những người trở về làng. Trường tiểu học trong làng có vẻ sẽ không đủ chỗ, ta có thể sẽ phải trưng dụng phòng ốc của trung tâm cho những người từ xa trở về làng nữa. Nhờ đó ta không cần đóng cửa trung tâm, chỉ cần tiếp tục hoạt động và đồng thời gửi những thiền sinh cũ ở đây đến nơi khác. Chúng ta sẽ khá bận rộn trong sự trù bị này, bệnh viện Thanlyin là nơi ta có thể phối hợp,các y tá và bác sĩ đang rất bận rộn với những trường hợp thuộc diện cách ly, cho nên chúng ta cần phải hỗ trợ họ.”


“Đối với những ai cảm thấy nơi này an toàn thì không sao. Còn ai thấy nơi này không an toàn, chúng ta sẽ di tản họ đến các trung tâm Thabarwa khác. Nơi này thì quá nổi tiếng về sự đông đúc nên nhận được sự quan ngại lớn từ cộng đồng. Tôi vốn đã xả ly khỏi sự đánh giá của người đời vì phần lớn đó chỉ là sự hiểu lầm. Tôi cố gắng thận trong trong việc đối trị với cái nhìn của đại chúng về trung tâm và đồng thời làm thêm nhiều thiện pháp. Thế nên tôi đang nghĩ về việc thực hành thiện pháp nhiều và nhiều hơn nữa trong tình trạng này. Việc đó có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn hiện tại.

Những trung tâm Thabarwa khác không lớn như thế này, hoạt động cũng chưa lâu, chưa hoàn thiện. Vì thế chẳng mấy người ở đó và cũng không có nhiều liên kết với bên ngoài. Những nơi đó khá an toàn trong cuộc tấn công của dịch bệnh. Ở đây ta có nhiều tương tác với bên ngoài, lại quá đông đúc nên rất khó kiểm soát. Thậm chí nếu ta mạnh tay kiểm soát, sẽ sinh ra nhiều hệ lụy. Nhiều người ở đây không kiểm soát được tâm và chỉ làm những điều họ muốn. Cũng vì vậy nên họ mới ở đây, họ an ổn ở đây chứ không ở được nơi nào khác. Nên nếu ta cưỡng ép họ ở yên một chỗ, không đi đi lại lại, họ sẽ trở nên thiếu kiềm chế. Vài ngày thì không sao chứ lâu dài thì không thể. Những trung tâm Thabarwa tách biệt với thế giới bên ngoài thì khá an toàn, không có nhiều tham, sân ở đó. Mỗi trung tâm cũng khác nhau, đó là cách tôi tạo ra các trung tâm, để Pháp tự vận hành chứ không bám chấp vào các định hướng, nên chúng có những diện mạo khác nhau. Vì tôi không chỉ nghĩ cho các vấn đề trong hiện tại mà là cho cả những tai ương trong tương lai. Chúng ta trù bị cho điều đó, sẽ có nhiều người cần trú xứ, vật thực, thuốc men; thiên tai hoàn toàn có thể xảy ra và hiện tại vẫn còn đó các cuộc nội chiến. Nên việc gửi người đi những nơi khác mỗi khi có những vấn đề lớn xảy ra, ta sẽ có thêm chỗ để đón những người mới đến.

Có khi con vi-rút đang lên kế hoạch xâm chiếm chỗ này cũng nên (cười). Vì vậy ta cần phải làm thật nhiều thiện pháp để tự bảo vệ mình. Nhưng tôi chắc là lũ vi-rút đó khá lo ngại về các trường thiền, chúng có vẻ sợ những thiền sinh (cười). Vì khi hành thiền chúng ta phải đấu tranh chống lại tham đắm, sân hận, si mê. Đến cả con người, đa số còn sợ việc hành thiền, nói chi đến con vi-rút. Chúng ta cần phải tự bảo vệ mình bằng việc làm thêm thiện pháp để giảm thiểu tham, sân, si của trung tâm này, của tổ chức này. Ta càng làm nhiều thiện pháp, ta càng gặp ít hiểm nguy.”


“Khi hành thiền minh sát, ta cần chấp nhận vô thường, khổ và vô ngã. Hầu hết mọi người không chấp nhận được sự thật này. Nếu ta nhận ra việc mình không có cái ngã nào cả, chỉ là vô thường, không gì cả, toàn là khổ đau thôi; con vi-rút sẽ bỏ chạy (cười). Chúng ta thường không chấp nhận được sự thật về vô thường, khổ và vô ngã; chúng ta sợ việc bị tan hoại. Vi-rút cũng vậy, chúng cần ai đó, cái gì đó để bám vào, để tồn tại. Còn hành giả thiền minh sát thì không chấp nhận quan kiến về ai đó, cái gì đó. Ngược lại, chẳng có ai cả, chẳng có cái gì cả, hoàn toàn không, chỉ có tự nhiên vô thường. Rất nhiều người sợ hãi trước sự thật này. Vi-rút cũng được con người tạo ra. Thế nên nếu ta sống với sự hiểu biết đúng, ta sẽ an toàn, sẽ được bảo vệ bởi Sự thật.

Bây giờ chúng ta vẫn đang tiếp tục một công trình tháp chùa ở bờ biển. 9 giờ sáng mai, đội xây dựng sẽ di chuyển đến đó; tôi sẽ ở lại đây sắp xếp việc đưa người đến những trung tâm khác và sẽ đến sau. Thiện pháp vẫn tiếp tục. Vẫn còn nhiều người không quá lo sợ vi-rút. Nên ta vẫn có thể làm việc cùng nhau. Đây là những Phật sự liên quan đến Phật, Pháp, Tăng, thế nên mọi người vẫn dũng cảm thực hiện. Thường thì người ta chỉ luôn nghĩ cho mình, không phải cho người khác; họ cũng chú trọng vào đồng loại chứ không quan tâm đến chúng sanh khác loài. Thế nên con người chẳng màng giữ giới, họ giết hại lẫn nhau, giết hại sinh vật khác và hủy hoại môi trường vì lợi ích cá nhân. Con người ta đã làm như vậy rất nhiều năm qua. Khoảng một trăm năm trước, dịch bệnh do vi-rút như thế này cũng đã diễn ra trên phạm vi toàn cầu, rất nhiều người đã thiệt mạng. Quá khứ đã diễn ra như thế, hiện tại cũng vậy và tương lai cũng sẽ còn tiếp diễn vì sự phá giới của con người, vì họ tàn sát và phá hoại mọi chúng sinh hữu tình và vô tình cho lợi ích của cá nhân hay lợi ích nhóm chỉ để được giàu sang. Thế nên trong sự thực hành thiện pháp, chúng ta sẽ triệt tiêu dần những tham, sân, si và đồng thời giữ vững giới luật. Giữ giới chính là cách để giải quyết vấn nạn vi-rút này. Chúng ta càng làm nhiều thiện pháp thông qua việc giữ giới và hành thiền, chúng ta càng trở nên an toàn trước dịch bệnh này. Chắc chắn thế.

Đây là phương pháp tôi đã dùng để giúp đỡ những người ốm đau, bệnh tật. Nếu họ chỉ ở nhà hay ở các bệnh viện chuyên khoa, họ sẽ khó thực hành thiện pháp, có thể sẽ không giữ giới, không hành thiền. Còn ở tại trung tâm Thabarwa, họ có thể thực hành một cách dễ dàng thông qua việc giữ giới và hành thiền. Từ đó, họ sẽ được an toàn khỏi dịch bệnh này nhờ việc làm thiện pháp cho tất cả và cho Sự thật. Đây là cách để chúng ta sửa chữa những bất thiện nghiệp trong quá khứ. Phá giới, không giúp đỡ người khác và kẹt xỉn không bố thí là những hành vi bất thiện mà ta đã gây. Nên nếu ra không thể sửa chữa lỗi lầm, ta chắc chắn sẽ bị vi-rút tấn công. Thông qua sự hiểu biết đúng đắn này, chúng ta nên hành thiền nhiều và nhiều hơn nữa. Đây là phương pháp đúng đắn. Cứ sự thực hành đi rồi bạn sẽ tin, một khi đã có tín tâm rồi, bạn sẽ có thể thực hành tốt hơn.”

Người đóng góp: