Câu hỏi: Thiền sư nói rằng, quan tâm đến sự hiểu biết thì không còn là sự hiểu biết đơn thuần. Nhưng trong cuộc sống cũng cần suy xét những điều mình ghi nhận. Nếu suy tư đúng đắn sẽ vẫn được coi là Chánh tư duy. Vậy sự tư duy nên vận dụng lúc nào để không ảnh hưởng đến thiền tập?
Trong cuộc sống, bất kỳ những gì chúng ta làm, cần ghi nhớ đó đơn thuần chỉ là hành động mà thôi, chỉ để sử dụng mà thôi, không phải để dính mắc. Nếu quên điều này, chúng ta đang thực hiện mà có sự dính mắc.
Chúng ta luôn sử dụng thân và tâm này. Chúng ta không thể ngưng được việc sử dụng bản thân mình. Chính vì vậy, cần ghi nhớ các hiện tượng thân – tâm chỉ để sử dụng mà thôi. Các hành động hay kết quả xảy ra không phải để dính mắc hay chối bỏ. Nếu quên đi sự thật chỉ để kinh nghiệm mà thôi thì chúng ta sẽ dính mắc ngay vào kết quả đạt được.
Tất cả những gì chúng ta chấp chặt, dính mắc đều là sai lầm vì không có ai ở đó, không có gì ở đó cả.
Trong tâm của chúng ta luôn luôn sinh khởi cái này biết, cái kia không biết. Chúng ta cần ghi nhớ về sự thật chỉ biết đơn thuần mà thôi, không có sự dính mắc hay chối bỏ ở đó. Nếu không hiểu được như vậy, chúng ta sẽ dính mắc vào điều mình biết và điều mình không biết. Tất cả chúng ta, tất cả mọi người đều chỉ sử dụng thân và tâm này mà thôi.
Chúng ta luôn luôn tạo ra các hiện tượng thân, khẩu, ý. Chúng ta cần kinh nghiệm những gì xảy ra. Không có sự khác biệt nhiều giữa bản thân chúng ta và người khác. Vấn đề ở đây là sự dính mắc đối với các hiện tượng thân tâm, vào những điều mình đang làm, với những gì đang xảy ra, với những cái biết hay không biết, hiểu hay không hiểu.
Chúng ta sử dụng thân một cách sai lầm, sử dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm một cách sai lầm. Để vượt ra khỏi điều này, cần luôn nhớ một điều chỉ sử dụng mà thôi, chỉ hay biết mà thôi, chỉ kinh nghiệm mà thôi.
Nếu gặp khó khăn trong việc áp dụng con đường Trung Đạo trong cuộc sống hàng ngày thì chúng ta có thể hành thiền ở nhà hay tham gia thiền tại các trường thiền một cách thường xuyên. Trong cuộc sống hàng ngày khó áp dụng con đường Trung Đạo vì chúng ta luôn có sự dính mắc vào các hoạt động của mình. Khi tới các khóa tu, các hành động thường ngày được giảm thiểu, công việc duy nhất khi đó là hành thiền, quan sát thân và tâm.
Dĩ nhiên sẽ có nhiều khó khăn khi theo đuổi con đường Trung Đạo. Chính vì vây, để vượt qua những khó khăn này, chúng ta cần tạo ra rất nhiều phước thiện.
Tất cả cũng chỉ là Nhân và Quả. Có Nhân thì mới có Quả. Có Quả thì có Nhân.
Chúng ta có thói quen làm một cách sai lầm, do các thói quen nên chúng ta làm những điều sai lạc. Từ đó các vấn đề nảy sinh. Để có thể đi trên con đường Trung Đạo, chúng ta cần phải làm những điều cần làm, không làm những điều không cần làm. Bằng cách như vây, chúng ta sẽ tách rời các điều kiện nhân duyên hình thành nên các hiện tượng.
Chúng ta có thói quen làm những điều muốn làm, vì thế, các vấn đề nảy sinh. Điều đó chúng ta cũng đưa vào trong việc hành thiền: Chúng ta thực hành theo cách mình muốn và mình nghĩ. Do đó mà có các vấn đề liên quan đến hành thiền. Chúng ta đang chấp chặt vào các ham muốn của mình. Chính vì vậy, chúng ta cần đáp ứng cho nhu cầu của người khác và buông bỏ đi những ham muốn của bản thân.
Khi bị bệnh, chúng ta thường nghĩ cần phải làm, dùng loại thuốc gì. Trong khi điều thực sự cần thiết là chúng ta cần suy xét, quán chiếu xem mình đã phạm phải sai lầm nào. Tức là chúng ta nên nghĩ đến các nguyên nhân, để giúp chúng không lặp lại.
Chúng ta cần phải hiểu về Nhân – Quả & sử dụng mối tương quan nhân quả theo một cách đúng đắn nhất.