Sự thực hành tạo nên sự hoàn thiện. Sự thực hành tạo nên sự hoàn hảo. Đó là sự thật. Thật khó để trở nên hoàn thiện và hoản hảo nếu như không thực hành đủ. Đó là sự khác biệt giữa tôi và những người khác, giữa trung tâm Thabarwa và các trung tâm khác. Tại Thabarwa tôi không chú trọng vào việc dạy thiền vì hành thiền rất khó hiểu (đối với hầu hết những đối tượng đang nương náu tại trung tâm). Trung tâm Thabarwa là một tổ chức, nhưng khác với các tổ chức xã hội như chính phủ, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức giáo dục và bệnh viện, những người tại trung tâm Thabarwa luôn luôn bận rộn với các việc làm phước thiện khác nhau. Ở đây tôi đang đề cập đến trung tâm chính tại Thanlyin, tại đó chúng tôi chú trọng vào việc hành thiền mỗi ngày và hành thiền trong chính các hoạt động đời sống. Trong điều kiện hiện tại, tôi tập trung vào (việc dạy và thực hành chánh kiến trong) các hoạt động thường nhật nhiều hơn và ít chú trọng vào các khóa tu thiền như thế này bởi tình hình nhiều biến động của đất nước Myanmar. Hơn nữa, tôi rất bận rộn với việc hoằng Pháp không ngừng nghỉ và đồng thời bổ sung cho mình những kiến thức về giáo dục, kinh doanh, chăm sóc sức khỏe… bởi vì tôi phải thành lập các trường tu, bệnh viện Pháp Bảo, ngân hàng công đức và làng Pháp Bảo, trạm cứu hộ động vật… Thế nên so với với các trung tâm thiền khác, chúng tôi không thể chuyên thâm vào việc tổ chức các khoá tu thiền. Tôi hiểu rõ về việc hành thiền hơn những người khác tại trung tâm, đó là lý do tại sao nếu tôi chỉ tập trung đến các khoá thiền mà thôi, tôi sẽ không có thời gian để làm những việc khác – những việc cũng rất cần sự trợ lực của tôi. Tất cả điều này cũng khiến tôi bị quá tải, giống như tình trạng “kẹt xe” trong việc làm thiện pháp một cách nghiêm túc.
Vì tôi đã từng điều hành công việc kinh doanh của mình trong vòng 7 năm, vì kinh doanh riêng một cách nghiêm túc, cuộc sống của tôi đã thay đổi. Tôi có khả năng làm và không e sợ khi phải làm điều gì nữa. Trước đó, tôi không có nhiều kinh nghiệm thực tế mặc dù đã tốt nghiệp đại học. Nền giáo dục Myamar tập trung chủ yếu vào lý thuyết, không phải thực hành, nên sau khi tốt nghiệp đại học tôi không có khả năng làm gì đó một cách chính xác. Không hài hòng với việc kinh doanh riêng của mình và việc sống cùng gia đình, tôi tách ra riêng khỏi bố mẹ và quyết định không quay lại dù cho bất cứ điều gì xảy ra đi chăng nữa. Thực sự khó khăn để đưa ra quyết định như vậy, bởi vì theo văn hoá truyền thống, chúng tôi phải phụ thuộc và gắn bó rất mạnh mẽ với gia đình mà không biết việc dính mắc vào gia đình mang lại rất nhiều hệ lụy. Chỉ khi tôi phá bỏ sự dính mắc đó, tôi mới có thể hoàn toàn nương tựa vào chính mình. Dựa vào ai đó không phải là điều tốt nhất, thay vì dựa vào người khác, dựa vào chính mình thì tốt hơn. Nhưng hầu hết người Á Đông không hiểu điều này, họ không thể xả ly khỏi gia đình. Việc phải thường xuyên đối diện những vấn đề hàng ngày với cha mẹ khiến tôi đưa ra quyết định rằng sống riêng sẽ tốt hơn là sống cùng nhau trong sân hận, đây là điều nên làm. Nhờ những quyết định và hành động đúng đắn này, tôi đã có cơ hội nương tựa vào chính mình ở tuổi 33. Điều đó khiến tôi có thể làm được nhiều việc, tôi được tự do và có thể tự mình đưa ra quyết định. Nếu tôi phạm sai lầm, tôi chỉ cần chịu trách nhiệm với bản thân tôi. Đó là lý do tại sao tôi cần phải cẩn thận để không phạm sai lầm mặc dù bận rộn thế nào đi chăng nữa.
Trong công việc kinh doanh, tôi luôn phải sử dụng tiền bạc, vì vậy nó giúp tôi trở nên thuần thục trong việc sử dụng tiền một cách tốt nhất để thu được lợi nhuận. Một mặt, chúng ta cần phải có khả năng sống cùng gia đình và bạn bè, với các thành viên khác trong cộng đồng. Mặt khác, chúng ta cần phải có khả năng tự lập, xả ly khỏi gia đình và tổ chức của mình. Nếu chúng ta không thể rời bỏ họ, chúng ta sẽ không có khả năng xả ly. Dính mắc là nguyên nhân của các vấn đề và phiền não. Nhờ hành thiền, tôi có thể thành tựu việc rời xa gia đình và cha mẹ, điều đó làm cho tôi có khả năng xả ly khỏi cha mẹ, nơi ở, tài sản của mình… Rất dễ dàng để buông bỏ và xả ly, nhưng nếu chúng ta không thực hành, chúng ta sẽ mãi không thể buông bỏ và xả ly. Nhờ việc rời xa gia đình, tôi có thể hoàn toàn dựa vào chính mình, không ai có thể kiểm soát tôi và tôi có thể thỏa chí kinh doanh. Điều đó khiến tôi trở nên thiện xảo và trở thành một doanh nhân thực sự, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh. Cũng có rất nhiều vấn đề và khó khăn, tôi đã bị tạm giam khoảng một tháng vì bán pháo hoa lậu, đó là một trong những hệ lụy từ việc kinh doanh tự do của tôi. Một ví dụ khác là một lần tài xế của tôi đã gây ra tai nạn và không có khả năng đền bù thiệt hại, tôi đã phải chi trả tổn thất cho những người chủ xe liên quan trong tai nạn đó, rồi lại phải tự sửa xe của mình, lúc đó tôi đã tốn rất nhiều tiền. Nhưng việc kinh doanh cũng mang lại rất nhiều lợi ích, tôi đã có thể mua một căn hộ và tự mình điều hành ổn định một hợp tác xã nhờ vào sự hỗ trợ của bạn bè. Nhưng sau đó, tôi đã đánh giá quá cao về bản thân, đã không thể kiềm chế lòng sân hận và tự mình chuốc lấy nhiều rắc rối.
Đối diện với những khó khăn vướng mắc mà không thể tự mình giải quyết được, tôi đã có cơ hội nương tựa vào Phật – Pháp – Tăng. Khi có cơ hội hành thiền, tôi phải cố gắng một lần nữa và đã trở thành một thiền giả thực sự bởi vì tôi có khả năng thực hành một cách thiện xảo. Tôi đã chuyển hóa những kỹ năng kinh doanh thành kỹ năng hành thiền. Đó là lý do tại sao tôi có thể thực hành chuyên chú hơn so với lối thực hành truyền thống. Tôi có thể tự do chuyên tu và không cần phải suy nghĩ về bất cứ điều gì, bất cứ ai. Điều này cũng giống như khi tôi kinh doanh cho bản thân, nhưng kinh doanh và làm thiện pháp thì hoàn toàn khác nhau. Khi tôi hành thiền ngày càng miên mật, bố mẹ, người thân và bạn bè đã cố gắng ngăn cản tôi. Họ cho rằng tôi đã đi sai đường. Họ không hiểu rằng thiền là thực hành như vậy và họ không biết rằng thiền cần phải được thực hành nghiêm túc như thế này, thế nên họ không thể chấp nhận. Lúc đó, một lần nữa tôi phải đưa ra quyết định rằng: hoặc mất đi cha mẹ và bạn bè hoặc mất đi sự tu tập với Phật – Pháp – Tăng. Nhưng vì tôi đã huân tập khả năng xả ly khỏi gia đình, một lần nữa tôi lại đưa ra quyết định: không nghe theo lời họ mà chỉ lắng nghe lời giáo huấn của Tam bảo. Điều đó sửa chữa những sai lầm từ trước đến nay của tôi. Hầu hết mọi người không thể sửa chữa sai lầm của mình, ngay cả khi họ đang hành thiền và làm thiện pháp, họ không thể xả ly khỏi tự ngã và gia đình của mình, không thể xả ly khỏi xã hội. Bởi vì thế họ không thể tiếp tục tu tập hoặc thực hành thiện pháp. Bằng cách sử dụng sức mạnh của sự xả ly, tôi có thể đạt được thành công và vượt qua những khó khăn. Nếu không thể xả ly, tôi phải từ bỏ việc thực hành thiện pháp.
Khi thực hành thiền, tôi không chỉ buông bỏ các mối quan hệ, mà còn cả tài sản và đời sống của mình. Tôi phải ngừng suy nghĩ để xả ly khỏi các nghiệp về ý. Tôi cũng đã phải ngừng các nghiệp về khẩu. Tôi đã phải ngừng hoạt động kinh doanh, dừng công việc của mình (để chấm dứt các thân nghiệp). Mặc dù đã từng có khả năng làm nhiều thứ, tôi đã thành công trong việc xả ly và không làm gì cả (không tạo ra bất cứ hành nghiệp nào), ngoại trừ các việc làm Thiện Pháp bằng cách giữ Giới và huân tập một tâm trí ổn định và thanh tịnh. Điều này đã thay đổi cuộc đời tôi. Khả năng, tâm trí của tôi đã hoàn toàn thay đổi nhờ sự thực hành. Nếu bạn không thể thực hành và không thể từ bỏ như thế này; chắc chắn bạn sẽ không hiểu và không thể làm như tôi.
Nhưng rồi từ khi trở thành một nhà sư, tôi lại phải bắt đầu làm việc, giảng Pháp mỗi buổi sáng, đi khất thực mỗi ngày, đi dạy tại nhà những thí chủ thỉnh mời và hoằng Pháp tại các bệnh viện. Tại thời điểm đó, điều này thực sự khó khăn, vì tôi đã trở thành một con người mới. Bởi vì tôi đã từng có khả năng làm việc và đã buông bỏ thành công. Tôi trở nên một người có khả năng không làm gì cả, nhưng lại cảm thấy rất khó để tiếp tục làm một điều gì đó. Thề là tôi phải tập lại từ từ và đều đặn để có thể quay lại làm các việc ngày một nhiều hơn, nhưng tôi không ép mình phải làm – điều sẽ khiến tôi mệt mỏi. Tôi cố gắng làm một cách tự nhiên và làm cùng với những người khác. Ví dụ như với những người bạn Việt Nam, nếu họ không mời tôi, tôi sẽ không bao giờ chủ động đến đây. Vì nhận được nhiều lời mời nên tôi đã quyết định đến đây giảng dạy, bằng không, tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến việc tự mình làm điều gì đó ngoại trừ việc dạy thiền ở tu viện. Tôi đã dạy thiền mỗi ngày, điều đó không khó lắm. Nhưng việc dạy thiền tại các địa phương hoặc quốc gia khác thực sự khó khăn đối với tôi vì tôi đã có khả năng không làm gì cả (không tạo ra các hành nghiệp), nên tôi chỉ làm những việc có lí do thật chính đáng.
Điều này thật khó đối với những người khác, nếu họ không làm như tôi, họ không thể hiểu được. Chính tôi cũng sẽ không hiểu nếu tôi không thực hành theo phương pháp này. Vì vậy, mọi thứ thực sự sẽ khó khăn đối với một người mới khi họ chưa có khả năng buông bỏ mọi thứ. Ngay cả việc suy nghĩ sẽ khó khăn khi chúng ta đã có khả năng ngừng suy nghĩ. Không khó để suy nghĩ với sự chủ tâm và ép buộc, nhưng điều đó tạo nên nhiều hệ lụy. Một chuyên gia, một vận động viên, một ngôi sao điện ảnh, một nhạc sĩ, một nghệ sĩ cũng khó có thể làm điều gì đó một cách chuẩn xác. Nếu ai đó đã thiện xảo trong công việc của mình thì rất khó để trở nên thiện xảo trong những công việc khác. Hầu hết mọi người đều không đủ thành thục, thiện xảo, những gì họ hiểu về công việc phải làm là “làm cái này”, “làm cái kia”, “vào lúc đó”, “tại chỗ kia”, “với người đó” cứ như thể là diễn xuất trong một đoạn phim… Để thực hành thiền tại các trung tâm thiền, họ cần những nguyên tắc và nếu như những nguyên tắc này không được đảm bảo, họ chẳng làm được gì cả. Họ chỉ có thể làm với những giới hạn và mãi chẳng thể nào trở nên thiện xảo được.
Elli Askew ghi – Minh Hương dịch