Hội chúng của chúng ta đang thực hành tại đây là một tập thể đông người, cho nên tổng số người ta không quen sẽ nhiều hơn những người ta quen biết. Ngẫm về Pháp, về Sự thật hay sự thực hành thiện pháp, điều chúng ta không biết luôn nhiều hơn cái mà ta biết. Là một hành giả, việc chúng ta chẳng thể làm nhiều hơn những gì ta có thể. Tuy nhiên, đừng quên mất là chúng ta không một mình, chúng ta đang làm thiện pháp dưới sự dẫn dắt của Phật, Pháp, Tăng và cùng các thiền sinh khác. Bằng chánh kiến này, chúng ta không nên từ bỏ bất kỳ giây phút nào để làm việc lành cũng như đồng lòng hành thiện. Tự thân thực hành thì thật dễ nhưng cùng nhau thực hành như thế này thì lại rất khó.
Xin chia sẻ từ trong chính kinh nghiệm của bản thân tôi, để có thể thành lập một trung tâm thiền toàn thời gian kết hợp làm thiện pháp như thế này thì một nhà sư như tôi đã phải rao giảng về điều này ròng rã trong năm (05) năm, liên tục tương tác những người bạn đạo khác nhau, ở từng thời điểm và môi trường khác biệt. Còn đối với thiền sinh, cơ hội hành thiền theo nhóm thì quả thực hiếm. Suy rộng ra, khi một hành giả không có đủ phước căn hay thiện nghiệp thì người đó không đến tham gia khóa thiền. Nếu chúng ta không thể hành trì đúng thời thì duyên lành như vầy chẳng đảm bảo sẽ tiếp diễn trong tương lai. Tất cả chúng ta nên nỗ lực làm thiện pháp để tận dụng tốt nhất cơ hội này. Điều mà chúng ta đang làm nơi đây không phải chỉ cho bản thân, mà còn cho những người khác và cả Sự thật nữa. Bởi không làm thường xuyên nên chắc chắn rằng tất cả chúng ta có lẽ gặp khó khăn tại khóa thiền lần này. Chúng ta có thể khởi sinh ý niệm bỏ ngang thiền tập và quay trở về nhà hoặc những chướng ngại phát sanh cần phải đối trị. Đây là tình trạng chung ngay cả đối với một hành giả tích cực. Mỗi khóa thiền thì không giống nhau dù cùng thời lượng chín (09) hay mười (10) ngày hay trú xứ nhưng có sự khác biệt về hội chúng, lời dạy cùng các yếu tố tương quan. Thật là khó để cùng nhau làm thiện pháp theo nhân duyên và với những đối tượng khác nhau. Ưu điểm của những khó khăn trong quá trình thực hành là chúng ta có cơ hội để xả ly khỏi chính những khó khăn đó. Qua đó, chúng ta có thể gia cố thêm hạnh kham nhẫn và khả năng chịu đựng. Chúng ta cũng có cơ hội xả ly khỏi điều không hiểu và việc không thể làm. Phần đông số người ngoài xã hội không có điều kiện làm kiểu này. Dù cho, chúng ta chưa thành tựu sở chứng do không thông hiểu lời dạy hay khó thực tập song chúng ta không nên từ bỏ; chúng ta nên suy tư đến người khác (người chưa được nghe giảng) và Sự thật. Chúng ta không nên hủy hoại cách thức hành thiện cùng nhau ngay cả khi chúng ta gặp trở ngại về trí văn lẫn pháp tu. Thí chủ, công quả, thiền sinh và thiền sư cần ở lại đây trọn khóa thiền. Khi thân đau ốm, chúng ta không hành trì được, hãy ở lại đây vì lợi lạc cho hội chúng. Khai mở một khóa thiền là điều khó có được và cũng chẳng dễ dàng để kết thúc khoá vậy.
Lời dạy của tôi là về Sự thật. Việc kinh nghiệm và ấn chứng làm thiện pháp một cách tự do là cần thiết. Điều này sẽ xóa tan mê mờ do chưa sáng rõ Sự thật và thiếu khả năng thực hành theo con đường Trung Đạo. Thậm chí khi chúng ta không thể thành công thì những người khác trong nhóm vẫn có thể; bằng cách này, chúng ta sẽ có cơ hội để thành tựu trong tương lai. Chúng ta nên hiểu rằng sẽ có rất nhiều lợi ích trong việc làm các thiện pháp cùng nhau. Có nhiều người chúng ta không quen, lắm thứ chúng ta không thể làm và những vấn đề chúng ta chưa thể giải quyết, nhiều lợi lạc mà chúng ta chưa am hiểu. Thế nên, tại khóa thiền này, tất cả chúng ta nên học cách làm, tư duy và thấu hiểu một cách tường tận nhất.
Tôi đã làm các thiện pháp bao gồm hành thiền trong hơn hai mươi (20) năm, không chỉ cho tôi mà còn cho những người khác và Sự Thật. Cho đến nay, còn tồn đọng nhiều tà kiến, lỗi lầm, vấn đề, khó khăn nhưng tôi không chú ý đến những hiện trạng này. Tôi chỉ đặt trọng tâm vào việc không bỏ cuộc hay dừng làm các thiện pháp tại mỗi khoảnh khắc hiện tại. Tôi nhấn mạnh việc chỉ-làm-mà-thôi và chỉ-không-làm-mà-thôi, mới là Con đường Trung đạo. Chính vì vậy, tôi nhận được nhiều điều tốt đẹp và hiểu hơn về nhân quả. Khi làm việc nhóm, tính kham nhẫn và lòng tha thứ rất quan trọng. Chúng ta không thể tránh lỗi lầm và tà kiến, vì thế, chúng ta cần kham nhẫn và tha thứ lẫn nhau. Khi không chịu tha thứ, chúng ta cũng sẽ không nhận được sự tha thứ; như vậy, tâm sẽ không được thanh thản và định tĩnh. Bên cạnh đó, chúng ta nên tập trung vào những tuệ quả mà chúng ta đang trải nghiệm và liễu ngộ tại đây. Ngoài ra, góc nhìn của chúng ta cũng có thể sai lạc và độ tin cậy từ những người khác cũng không chắc chắn. Hãy vận dụng tối đa toàn bộ hiểu biết của mình, đừng nên học vẹt kiến thức của người khác. Đây là cội nguồn của hầu hết vấn đề. Ví như là chúng ta đang sử dụng tri thức của người khác thì nên cố gắng chỉ-sử-dụng-mà-thôi với chánh niệm và xả ly. Chỉ-sử-dụng-mà-thôi hoặc chỉ-không-sử-dụng-mà-thôi là điều quan trọng nhất đối với tất cả.