Câu hỏi: Bạch thiền sư! Nhiều người quản lý các khu nhà ở trung tâm đang đóng cửa và cấm bệnh nhân ra ngoài. Họ hiểu lầm và nghĩ rằng virus có thể đến từ chúng tôi, những người nước ngoài. Nhưng chúng tôi không phải là người mới, chúng tôi cũng giống như họ. Rất khó để hợp tác trong tình huống này. Ngài có thể cho các tu sĩ giúp chúng tôi giải thích rằng chúng tôi an toàn để hợp tác được không?
– “Tôi sẽ giải thích với các thiền sinh người Myanmar về các tình nguyện viên quốc tế. Tôi sẽ cho họ biết rằng họ được an toàn khi phối hợp làm thiện pháp với người nước ngoài. Những người nước ngoài đều đã ở đây hơn 2 tuần, vì vậy chúng ta không cần phải lo lắng nhiều. Tôi sẽ giải thích vào thời pháp sáng. Điều này xảy ra vì họ không có nhiều kiến thức về những người nước ngoài. Nhưng tôi có thể giải quyết vấn đề này. Đối với những người ở đây thì dễ giải thích thôi. Còn những người ở ngoài trung tâm này thì khó hơn nhiều. Họ có sự dính mắc mạnh mẽ. Họ muốn làm những gì người khác làm [trong thời điểm hiện tại, tất cả các trường thiền ở Myanmar đồng loạt từ chối người nước ngoài]. Trong những điều kiện khác nhau, vào những khoảng thời gian khác nhau, sẽ diễn ra các tình huống khác nhau, bạn không nên quên sự khác biệt đó [để chấp nhận tình huống hiện tại]. Nhờ vậy bạn có thể quên đi khó khăn này và tiếp tục hành thiện. Nhưng bạn phải cẩn thận và không làm họ lo lắng. Chúng ta không nên chối bỏ, hãy cẩn thận.
Bạn phải tự mình nhận ra các bài học. Đối với tôi, tôi cũng phải tự học trong việc dạy thiền. Lời dạy của tôi cũng luôn thay đổi. Ban đầu, các thiền sinh có thể không tin tôi vì tôi dạy những điều nằm ngoài sự hiểu biết của họ. Họ nghĩ những gì họ hiểu là đúng. Họ không sẵn sàng chấp nhận những gì họ không hiểu. Nhưng mỗi khi những lời dạy thay đổi, sẽ lại có những thiền sinh mới; họ xuất hiện cho những lời dạy đó. Khi bạn không chấp thủ, bạn có thể làm được rất nhiều điều. Phải cố gắng tự tìm ra con đường. Tôi có thể giải thích nhưng nếu bạn không thực hành, bạn không thể hiểu. Bản thân tôi cũng gặp khó khăn trong việc diễn giải. Tôi học chủ yếu thông qua sự thực hành của bản thân. Do đó tôi không quá thành thuc trong việc diễn ngôn. Tôi nhấn mạnh việc thực hành và trở nên thiện xảo trong sự thực hành chứ không phải trong diễn thuyết. Hầu hết các giảng sư đều thiện xảo trong việc thuyết pháp nhưng lại không thực hành một cách thành thục. Trung tâm có nhiều không gian khác nhau, chúng ta có thể sử dụng chúng cho những nhóm người khác nhau, và cũng để làm cho những người nước ngoài cảm thấy an tâm. Nếu bạn đủ kiên nhẫn, tôi có thể giải quyết được vấn đề này.
Trong trường hợp không thể tự đi mua sắm, bạn có thể gọi điện cho người của chúng tôi, họ sẽ mua giúp bạn. Đây là tình huống nghiêm trọng nhất từng xảy ra ở Myanmar do virus gây ra. Nhưng với quan điểm của tôi, chúng ta đang thực hành giữ giới; vậy nên chúng ta cũng giao thiệp với những người đang thực hành giới khác. Không phải ai ở đây cũng trì giới một cách nghiêm túc, nhưng chẳng có tổ chức nào là hoàn thiện; hầu hết những người ở đây luôn giữ giới hết sức có thể. Còn những người phá giới thì có thể chẳng đến đây. Nên có thể nói, những gì chúng ta đang làm ở đây là bảo vệ mình khỏi việc nhận lãnh các quả xấu. Còn nếu bạn đang làm những hành vi bất thiện, bạn có thể đang phải lo sợ về vấn đề virus, và bạn cũng chẳng thể được an toàn.
Hầu hết mọi người trong xã hội không thực hành thiện pháp như chúng ta, nên họ cần phải lo lắng rất nhiều trong tình trạng này. Họ không thể tự kiểm soát tâm; vậy nên không có gì chắc chắn rằng họ sẽ được an toàn. Miễn là chúng ta có thể kiểm soát để tâm được ổn định và trong sạch, chắc chắn chúng ta có thể an toàn. Thuở ban đầu, ngay cả những người ở đây cũng không tin trung tâm sẽ tồn tại lâu dài. Có rất nhiều khiếu nại về trung tâm. Hầu hết mọi người không hiểu rõ về chúng tôi, thế nên họ có nhiều thành kiến về trung tâm này. Nhưng tôi cũng dạy người dân ở đây cách xả ly khỏi những lời đàm tiếu của thế gian. Nếu không thể xả ly, chúng tôi chắc chắn sẽ bị đào thải. Nhưng chúng tôi đã có thể xả ly, nhờ vậy nên trung tâm tiếp tục tồn tại. Nhiều người trong xã hội này có thể nghĩ rằng trung tâm này thật nguy hiểm vì vẫn tiếp nhận người nước ngoài, người già lẫn người bệnh. Đây lại còn là một nơi công cộng đông đúc, rất nhiều người đến rồi lại đi, rất dễ bị ảnh hưởng bởi virus. Đó là lý do tại sao một số người lo lắng nhưng đối với những người đang làm thiện pháp như chúng ta, họ tin vào trung tâm này. Vì vậy, nơi đây luôn tồn tại sự đấu tranh giữa các quan kiến đối lập. Nếu bạn không thực hành thiện pháp ở đây chắc chắn bạn không thể hiểu về trung tâm này. Khi đó sự hiểu lầm cũng là dễ hiểu.
Chúng tôi đang giải quyết vấn đề này, đang cố gắng thay đổi quan điểm của công chúng về những gì mình đang làm ở đây. Chúng tôi đã dần chuyển hóa thành công nhiều trường hợp, và từ đó nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng. Rồi các bạn sẽ thấy. Đôi khi bạn có thể không tin, nhưng bạn cần tiếp tục làm những việc thiện. Phải học cách xả ly, có như vậy bạn mới có thể tiếp tục. Nếu không thể xả ly thì khó lòng tiếp tục hành thiện được như thế này. Mà như thế thì sẽ không còn cơ hội cho các tình nguyện viên quốc tế khác trong tương lai. Các cựu tình nguyện viên quốc tế đã rất nghiêm túc. Đó là lý do tại sao, các tình nguyện viên quốc tế hiện tại có được cơ hội làm thiện pháp ở đây. Các bạn cũng nên tận lực vì thế hệ tình nguyện viên kế tiếp. Các trung tâm Thabarwa mới trên toàn thế giới và ở đất nước này cũng như vậy, nếu họ làm những việc thiện một cách thiện xảo, thì trung tâm có thể ổn định và phát triển lâu dài. Điều này thực sự hữu ích. Bạn vẫn có thể trông đợi ở nó ngay cả khi chính phủ không chấp nhận. Họ luôn muốn kiểm soát bằng kỷ luật. Nhưng có nhiều thứ không thể được giải quyết bằng các nguyên tắc. Đó là lý do tại sao chúng ta cần loại hình tổ chức này để được tự do thực hành thiện pháp một cách không giới hạn.”