Lý thuyết và thực hành – Đừng chạy theo tham muốn

Tháng Một 12, 2020
Thời gian đọc:

Trong khi thuyết giảng lời dạy của Đức Phật, chúng ta phải đặt trọng tâm vào lý thuyết. Trong sự thực hành thiện pháp, kể cả hành thiền, chúng ta phải chú trọng vào thực tiễn. Lý thuyết mà không có thực hành thì chưa trọn vẹn, thực hành mà không có lý thuyết thì dễ lạc lối. Cả lý thuyết lẫn thực hành đều chỉ-sử-dụng-mà-thôi, không dính mắc hay chối bỏ. Chỉ-làm-mà-thôi là điều các bạn thực hành chứ không phải hành động theo tham muốn của bản thân. Khi bạn chạy theo tham muốn của mình, chỉ sinh ra càng nhiều tham muốn hơn nữa. Nếu bạn chuyên tâm chỉ-làm-mà-thôi, khả năng hành thiện sẽ càng phát triển. Còn nếu cứ theo đuổi tâm tham của mình, chắc chắn rằng bạn không bao giờ thấy mãn nguyện. Chuyên chú thực hành bằng tất cả năng lực, rồi bạn sẽ thấy hài lòng.

Đối với cả việc làm thiện pháp một mình và làm cùng với những người khác, nên chú trọng việc nào có thể làm ngay bây giờ để xả ly khỏi bản thân và rèn khả năng hành thiện liên tục trong thời gian dài. Tôi đã giảng dạy ở Việt Nam từ năm 2012 và vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay là nhờ chuyên tâm làm những gì tôi có thể. Nhờ chú trọng phương châm chỉ-làm-mà-thôi, tôi có thể tối đa khả năng của mình. Các bạn không nên quá quan tâm đến bản thân và tham muốn của mình, hay ai khác và tham muốn của họ. Hãy tâm niệm chỉ-làm-mà-thôi, bằng cách thực hành những gì các bạn có khả năng ngay trong hiện tại. Làm được như thế, mọi điều bạn làm sẽ được thành tựu.

Bạn cần sử dụng từng khoảnh khắc trong hiện tại để thực hành chánh niệm; không nên nghĩ về quá khứ, hiện tại hay tương lai, chỉ cố gắng dành trọn từng khoảnh khắc hiện tại để chánh niệm. Nếu bạn không chánh niệm, vô minh hay tà kiến sẽ chế ngự. Đối tượng của chánh niệm có thể thay đổi từ thời điểm này sang thời điểm khác, từ người này sang người khác nhưng hành động chánh niệm luôn được duy trì trong từng khoảnh khắc hiện tại. Hành động hiện tại của chánh niệm nên là chỉ-làm-mà-thôi với sự chánh niệm và xả ly. Chúng ta nên chánh niệm nhưng không nên dính mắc vào hành động chánh niệm. Chúng ta phải sử dụng tâm để chánh niệm, nhưng không chấp chặt tâm như là một thứ gì thuộc về mình. Chúng ta có thể sử dụng tâm nhưng không nên hiểu sai rằng đây là tâm tôi, kia là tâm họ; luôn luôn buông xả để tâm giảm đi căng thẳng.

Sử dụng thân và tâm như là tài sản của mình là một sai lầm phổ thông của chúng ta. Không chối bỏ – chúng ta phải sử dụng tâm – cũng không dính mắc – chúng ta nên buông xả và thư thái trong mọi thời điểm.

Sử dụng với sự nắm giữ là sai lầm; chỉ-sử-dụng-mà-thôi mới là đúng đắn. Giờ đây chúng ta cần sửa chữa một sai lầm cố hữu: sử dụng mọi thứ trong vô minh và dính mắc, bằng cách chỉ-sử-dụng-mà-thôi.

Chúng ta nên chú trọng giữ chánh niệm ở mỗi khoảnh khắc hiện tại. Khi hướng dẫn thiền, tôi phải chánh niệm trong mọi hành động hiện tại của việc hướng dẫn thiền. Bằng cách này, tôi có thể tiếp tục dạy thiền hết lần này đến lần khác. Nếu tôi không chánh niệm trên việc hướng dẫn thiền, tôi đã không thể dạy thiền một cách liên tục như thế này. Tôi chỉ quan tâm việc tiếp tục dạy về Sự Thật. Tôi không cần quan tâm đến việc nào khác. Bạn cũng nên chánh niệm trong khi nghe và học những lời dạy về Sự Thật. Bạn không cần quan tâm đến điều khác. Chúng ta nên hiểu rằng mọi hành động đều khả thi. Chúng ta chắc chắn có thể làm bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ cần tiếp tục làm các thiện pháp với hiểu biết đúng này.

Người đóng góp: