Câu hỏi: Bạch Ngài, con xin được chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình. Con là tu nữ vừa xuất gia theo khóa thiền lần này. Từ khi bắt đầu tu tập, con cảm thấy tốt hơn trước nhiều, do không còn vướng bận đời sống trần tục và những vấn đề, trách nhiệm của sinh hoạt hằng ngày cũng như hoạch định tương lai. Con thật sự nhận ra đời sống tu nữ mang đến nhiều lợi lạc và đây quả là một quyết định đúng đắn. Cảm ơn Ngài vì đã giúp đỡ con.
– “Trước khi xuất gia, con không thể thay đổi cuộc sống của bản thân, vì vậy con không thể cải biến tâm mình, vấn đề phát sinh ở chỗ ấy. Trong vai trò là người tu nữ, con có thể đảm nhiệm ngày một nhiều thiện pháp. Con không phải là người tu nữ duy nhất mà còn có nhiều vị khác, cũng sẽ có thêm nhiều tu nữ mới xuất gia. Vậy nên, nếu con không cố gắng hết mình, con sẽ cảm thấy không hài lòng với chính mình trong những lúc so bì bản thân với người khác. Con giữ y càng lâu thì càng phải đối mặt với nhiều tu nữ khác, nếu con chấp thủ vào đời tu của mình thì con cũng sẽ chấp nhất đời tu của những vị khác. Theo lối đó, sự ganh đua diễn ra, đây là điều hiển nhiên không chỉ ở xã hội bên ngoài mà cả trong cộng đồng tôn giáo. Con không nên tự thấy thỏa mãn với chính mình mà cần phải tập trung thực hành thiện pháp thêm nhiều nữa. Thầy biết con khi còn là cư sĩ và cũng biết con sau khi đã xuất gia, thế nên thầy nhìn thấy sự thay đổi nhờ từ bỏ cuộc sống thế gian, rất tốt. Nhờ thay đổi cuộc đời từ cư sĩ sang tu nữ mà con đã nhận được nhiều lợi ích. Nếu con có thể cải biến tâm mình từ vô minh, dính mắc sang chánh niệm, xả ly; con sẽ còn nhận được nhiều phước lành cao quý hơn. Hầu như giới cư sĩ, ai cũng muốn thay đổi tâm tính và đời sống của họ, nhưng khi họ vẫn chưa nương tựa hoàn toàn nơi Tam Bảo, thì điều đó rất khó xảy ra. Con vẫn còn trẻ và có nhiều thời gian để hoàn thành rất nhiều thiện nghiệp, giúp ích cho rất nhiều người. Là một tu nữ, con được tự do thực hiện tất cả mọi loại thiện pháp, con nên tiếp tục gắng sức. ”
Câu hỏi: Bạch Ngài, vì mới vừa xuất gia nên con vẫn chưa thể xả ly khỏi thói quen hành động trước đây. Con nhận thấy mình đang làm thiện pháp với rất nhiều dính mắc và điều đó mang đến nhiều phiền não. Con có suy nghĩ rằng mình nên dừng công việc tình nguyện đến khi có khả năng xả ly tốt hơn khỏi tập tính cũ. Xin Ngài cho con lời khuyên!
– “Dù có dính mắc trong việc hành thiện vẫn tốt hơn nhiều so với dính mắc mà không hành thiện. Nếu không tạo thiện nghiệp, chắc chắn chúng ta không nhận được quả lành. Dù tạo thiện nghiệp với tâm dính mắc, chắc chắn chúng ta vẫn nhận quả lành. Lấy ví dụ như Trung tâm Thabarwa, một tổ chức lớn. Rất nhiều người đủ mọi thành phần, từ già trẻ, đau yếu, khỏe mạnh, có đức tin hoặc không, tất cả cùng tham gia hoạt động tại trung tâm. Hầu hết mọi người đều đang làm thiện pháp với rất nhiều dính mắc. Dù vậy, trung tâm vẫn nhận được phước báu từ việc hành thiện với sự dính mắc ấy. Nếu chúng ta dừng việc hành thiện do sợ tâm dính mắc, chắc chắn chúng ta không có phước báu. Khi chúng ta biết mình đang hành thiện với tâm dính mắc, đó là chánh kiến. Bởi vì, việc hay biết sự dính mắc đang có mặt trong hiện tại cũng chính là hiểu biết đúng đắn, là chánh kiến. Hiểu biết đúng đắn thì dễ, còn tránh mắc sai phạm và thực hành đúng đắn thì khó. Vì thế, mắc lỗi sai là bản chất tự nhiên của chúng sinh, chúng ta nên chấp nhận bản chất không toàn diện, không hoàn hảo của chúng sinh. Điều ấy thực sự quan trọng. Giờ đây, con đang tham chấp, cũng như những chúng sinh khác, mong cầu sự toàn vẹn. Nhưng còn rất nhiều điều con chưa hiểu và hẳn là chưa thể làm được. Con không nên buông thả trong tình trạng kém hoàn chỉnh này, mà nên chấp nhận nó để rồi xả ly khỏi bản thân, xả ly khỏi sai lầm của mình: đó là thói quen chấp giữ. Với hiểu biết đúng đắn này, con có thể tiếp tục thực hành thiện pháp. Ngộ ra chân lý chính là phương thức sửa chữa những sai phạm và khuyết điểm của bản thân. Chúng ta cần phải thấu suốt chân lý thêm nhiều nữa. “