Câu hỏi: Thưa Ngài, con nhận thấy Ngài có thiện chí chào đón tất cả mọi người đến đây vào thời điểm này thật là tốt lành! Nhưng nếu lỡ xảy ra hậu quả không mong muốn, ví dụ như một người nào đó bị nhiễm virus, thì sẽ ra sao?
– “Chúng ta không thể nào loại bỏ hoàn toàn những hậu quả bên lề. Không một ai và không một thứ gì là hoàn hảo cả. Đây là một trong những phương pháp chúng ta đang áp dụng để làm thiện pháp. Điều này tuy nghe đơn giản, nhưng thật ra rất sâu sắc và khó mà hiểu cho đúng đắn. Nên sự hiểu lầm sẽ nảy sinh, từ đó tạo ra hành động sai trái và rồi mang lại khổ não cho người đó. Nhưng dù trong trường hợp này, người đó vẫn có thể học tập từ chính lỗi lầm ấy. Đôi khi, bạn không thể nhắc nhở, lời lẽ không có tác dụng hoàn chỉnh. Chỉ bằng kinh nghiệm cá nhân của riêng mỗi người về đúng-sai, phải-trái, chúng ta mới có hiểu biết rõ ràng. Vậy thì, sẽ có hậu quả bên lề nếu chúng ta sử dụng sai nơi này nhưng cũng sẽ có thành quả tốt đẹp phi thường từ hiểu biết chân chánh, quan kiến đúng đắn, hành vi chân chánh, sử dụng nơi này đúng cách. Đây là hai khía cạnh lời và lỗ. Phần lời vượt trội hơn nhiều so với phần lỗ. Đó là lý do chúng ta làm như thế này là xứng đáng, chắc chắn. Loại hình giảng dạy và thực hành thiện pháp này rất bổ ích và hấp dẫn đối với nhiều nơi trên thế giới. Nhờ đó họ có cơ hội học hỏi lý thuyết này, quy luật nhân quả. Và điều đó có thể thay đổi cả xã hội, cả thế giới. Tương tự như vậy đối với Thabarwa, ở giai đoạn đầu, phát sinh rất nhiều hiểu lầm và hành động sai trái, nhưng mặt khác, quan kiến đúng đắn, hành vi chân chánh cũng nảy sinh. Luôn có hai mặt cạnh tranh với nhau. Cuối cùng, năng lực của việc làm thiện pháp trở nên mạnh mẽ hơn năng lực của việc tạo ác nghiệp, rồi từ đó trung tâm hoàn toàn thay đổi, từ bất ổn thành vững vàng, từ bất khả thi thành khả thi. Chúng ta đang làm việc cùng nhau, vì vậy mọi người đều nhận kết quả tốt đẹp, dù là những người già bệnh, họ vẫn có thể hành thiền, giữ chánh niệm. Họ không thể làm thiện nguyện nhưng nhờ Thabarwa biến chuyển, nhiều người có thể nương tựa vào nơi đây. Nếu nhiều người hơn nữa trên thế giới áp dụng phương pháp này, chắc chắn sẽ có cuộc cạnh tranh giữa tốt và xấu, đúng và sai. Nếu chúng ta có thể tiếp tục duy trì như vậy trong thời gian dài, chúng ta chắc chắn sẽ đạt được thành tựu theo phương pháp chỉ làm mà thôi, tức Con đường Trung đạo.
Hiện nay tại Myanma, Trung tâm Thabarwa phủ sóng rộng khắp, không khác chi là virus. Nhờ thế, đa số mọi người đều có cơ hội được làm thiện pháp. Vậy là sẽ có những cuộc cạnh tranh trên khắp cả nước, làm theo cách này hay không theo cách này, làm thiện pháp tự do hay không làm thiện mà làm việc bất thiện tự do. Vào những năm trước, tình hình đất nước còn xấu hơn. Bây giờ tình hình hiển nhiên đã khác trước. Mọi người có thể làm được nhiều điều hơn, Thabarwa cũng biến chuyển đáng kinh ngạc. Nhiều người không thể tưởng tượng nổi Thabarwa sẽ trở nên như ngày nay. Dựa vào kinh nghiệm thực tế, họ chấp nhận điều này và đi theo chúng ta. Nay ở Thái Lan và Việt Nam, càng lúc càng có thêm nhiều người thực hành theo cách này. Họ thích thú với lý thuyết này và phù hợp với cách thực hành này. Đối với những ai cần đi ra ngoài mua thực phẩm, bạn cần phải giữ chánh niệm. Nếu bạn hành động với chánh niệm và xả ly, bạn sẽ được an toàn. Đi ra ngoài mua thực phẩm thì không có gì khó, ai cũng làm vậy, nhưng bạn nên có chánh niệm. Bạn cần xem xét trạng thái tâm của mình. Nếu tâm không định tĩnh, không trong sạch, bạn không nên ra ngoài. Chỉ khi thấy tâm mình bình ổn, thanh tịnh, bạn hãy đi mua sắm. Đó chính là sử dụng năng lực của phẩm chất tâm tốt. Dù bạn muốn làm gì, cũng nên dùng cách này. Nhờ việc làm thiện pháp liên tục, chúng ta sẽ khó bị nhiễm virus. Nếu có bị nhiễm virus, chúng ta sẽ khó mà thiệt mạng, mọi nời sẽ sống sót. Nếu chọn cách đóng cửa trung tâm, ngừng mọi hoạt động và cách ly với bên ngoài thì cũng dễ thôi. Nhưng đó không phải là cách tốt nhất. Chúng ta không nên làm thế vì vẫn còn cả một cộng đồng ở đây, chúng ta có thể làm thêm nhiều thiện pháp trong điều kiện này. Đó là hướng đi tốt nhất cho tất cả mọi người.”