Câu hỏi: Thưa Thiền sư Ottamathara. Xin Thiền sư cho con biết góc nhìn của Ngài về vấn đề trong Phật Giáo nói chung có rất nhiều tông phái, hệ phái khác nhau.
Khi chúng con là hành giả, chúng con có những căn duyên, căn cơ với những phương pháp, tông phái cụ thể. Nhưng trong quá trình chúng con làm hộ trì chung cùng với nhau, không tránh khỏi việc cọ xát, va chạm giữa tông phái, trường phái mà con đang theo đuổi với người khác ở các trường phái khác.
Con thấy có rất nhiều sự chấp chặt ở đây. Con thường gặp rất nhiều mâu thuẫn tương tự nhau. Kiểu như “Phương pháp này của tôi ổn hơn, tốt hơn, phương pháp của anh có vẻ không ổn bằng”. Hay là nhiều quan điểm chấp chặt và đánh giá lẫn nhau.
Chính vì những vướng mắc này mà chúng con làm việc cùng với nhau rất khó.
Trong khi đó, con cũng biết rằng, lời dạy của đức Phật thì chỉ có lời dạy đi về cách hiểu cuối cùng là vô thường, khổ và vô ngã.
Vậy Thiền sư cho con xin ý kiến của Thiền Sư về các tông phái ở trong đạo Phật trong quá trình chúng con làm hộ trì, làm sao cho uyển chuyển không gây mâu thuẫn ạ?
Khi chúng ta thực hành thiền, bạn sẽ thấy có nhiều phương pháp và lời dạy khác nhau.
Có rất nhiều lý do để lựa chọn các phương pháp hoặc các vị thầy, dựa vào thói quen cũng như nhân duyên của từng người. Đó là lý do tại sao có rất nhiều cách thức thực hành, có rất nhiều những lời hướng dẫn, có rất nhiều các vị thầy từ các tông phái khác nhau.
Nhưng thực sự, tất cả đều giống nhau và chẳng có sự khác biệt nào cả.
Bởi vì nơi chốn, trú xứ các bạn thực hành khác nhau. Người thầy, nhân duyên của các bạn lựa chọn khác nhau. Tình huống, hoàn cảnh sống cũng khác nhau. Nên thực ra, vấn đề về sự khác biệt này không phải là điều quan trọng nhất.
Cả chúng sinh hữu tình lẫn chúng sinh vô tình đều có những nhân duyên khác nhau, cũng như những suy nghĩ khác nhau nên đây là điều hết sức bình thường. Không phải là điều quan trọng.
Điều quan trọng là, chúng ta nên cố gắng để có thể thực hành thiền mọi lúc, mọi nơi một cách nghiêm túc. Với sự thực hành nghiêm túc này, chúng ta sẽ trở thành những thiền sinh thực thụ. Hãy không ngừng thiền tập. Khi đã có sự thuần thục trong Pháp hành, bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho chính bản thân mình.
Có lời khuyên của một vị Trưởng lão Myanmar như sau: “Khi ý nguyện của chúng ta mong mỏi đạt được thành tựu về trí tuệ & giác ngộ đủ lớn, thì đó chính là thời điểm chúng ta có thể đạt được Giác ngộ & giải thoát. Khi ước vọng về trí tuệ hoặc ý nguyện về Giác ngộ & giải thoát cũng sâu dày, mạnh mẽ như mong mỏi của chúng ta cần một người vợ – một người chồng, thì khi đó cũng chính là lúc chúng ta có cơ hội để được giải thoát”.
Hầu hết chúng sinh đều cảm thấy cần có vợ, có chồng. Những tham dục, luyến ái trong đời sống này mạnh mẽ hơn rất nhiều so với ước vọng có được trí tuệ hoặc sự Giác ngộ. Đây chính là lý do lớn nhất ngăn cản chúng sinh thực hành & đạt được Giác ngộ tuyệt đối cuối cùng.
Tôi nói như vậy để các bạn hiểu, thực ra, phương pháp này hay phương pháp khác – người thầy này hay người thầy khác – tông phái này hay tông phái khác mà chúng ta có nhân duyên học hỏi đều không phải vấn đề.
Vấn đề nằm ở ngay Tâm chúng ta, ước vọng giải thoát đi tới Giác ngộ của chúng ta, mong muốn & quyết tâm thực hành của chúng ta mạnh mẽ tới đâu. Ý vẫn là quan trọng nhất.
Bởi vậy, bạn có thể lựa chọn bất cứ người thầy hoặc phương pháp, tông phái nào để có thể tham gia học hỏi và thực hành một cách liên tục, mạnh mẽ và bền bỉ.
Nếu chúng ta có cơ hội được thực hành phương pháp nào, chúng ta có thể tiếp tục thực hành từ khi bắt đầu cho đến khi chúng ta hoàn toàn thuần thục. Điều chúng ta cần phải làm là chúng ta hãy cứ tiếp tục thực hành cho đến khi viên mãn, cho dù chúng ta có thích hay không.
Việc chúng ta thích hay không thích chính là rào cản lớn nhất trong Pháp hành.
Khi chúng ta có thể xả ly khỏi ước muốn thích hay không thích, đó sẽ chính là cách thức đúng đắn để chúng ta có thể có được sự đúng đắn & thành tựu trong Pháp hành.