Câu hỏi: Nhiều khi con cũng biết đó là việc tốt. Nhưng khi mình mệt mỏi, bất lực, giận dữ, tuyệt vọng, chán nản….. thì con có cảm giác không muốn làm nữa. Thưa Thiền sư, con phải làm sao để tiếp tục làm và phát triển thiện pháp ạ?
Ở Myanmar, tôi gặp tình huống này rất nhiều.
Những tình nguyện viên, những người phụng sự họ đến và làm việc với nhau sẽ dễ phát sinh những cảm thọ không được thuận lợi. Họ gặp những bất thiện nghiệp.
Họ nói với tôi là bây giờ họ chán nản quá, tuyệt vọng quá…. “Con không muốn ở đây nữa. Con muốn trở về trú xứ của mình. Con sẽ đi ra xã hội và kiếm tiền”. Có những tu sĩ và tu nữ đến và thỉnh cầu tôi để được xả y, từ bỏ đời sống ở thiền viện để trở về nhà. Vấn đề này với tôi rất bình thường. Tôi vẫn thường xuyên giải quyết những chuyện như thế này tại các Trung tâm Thiền Thabarwa.
Khi tôi bắt đầu làm thiện pháp, tôi cũng hay gặp những tâm bất thiện như thế này. Nếu tôi không cố gắng vượt qua nó, tôi đã không thể làm được đến ngày nay. Đó là điều chắc chắn.
Khi chúng ta có khả năng đối diện với vấn đề, đối diện với những tâm bất thiện, những bất thiện nghiệp sẽ ko sinh khởi nữa. Bởi không có gì là mãi mãi.
Cho dù điều thiện lành hay xấu ác thì nó cũng đến rồi đi, sinh khởi và hoại diệt. Bản chất của cái xấu và cái tốt là như vậy.
Cũng như vậy, khi chúng ta hành thiền, chúng ta cần hiểu biết rằng chúng ta cần phải hành thiền. Chứ không phải khi chúng ta thích thì chúng ta hành thiền, khi không thích thì chúng ta không hành thiền.
Kể cả khi không thích hành thiền, chúng ta cũng phải hành thiền.
Tương tự cho việc giữ giới, khi chúng ta có tư tưởng là tôi ko thể giữ giới nữa, hãy cứ tiếp tục giữ giới.
Khi chúng ta có một ý nghĩ rằng chúng ta không muốn giúp đỡ ai nữa, hãy cứ tiếp tục giúp đỡ người khác. Đây là chánh kiến, là hiểu biết đúng.
Chúng ta cần tiếp tục như vậy. Dù cho cái tâm có diễn ra bất thiện nghiệp gì, chúng ta vẫn cần tiếp tục sự thực hành này trong đời sống của mình.
Bởi vì tôi là người có nhiều kinh nghiệm, cũng như tôi thiện xảo trong việc giúp thiền sinh vượt qua những khó khăn của mình; tôi hiểu rằng điều gì là cần thiết, đâu là chánh kiến và cần phải tiếp tục duy trì để đạt được những thành tựu trong thực hành. Vì vậy tôi luôn cố gắng nỗ lực hết mình, tận tuỵ trong việc hỗ trợ, hướng dẫn những ai gặp khó khăn trong thực hành.
Hầu hết những Thiền sinh, tình nguyện viên, những người phụng sự, những thí chủ……đều có khuynh hướng dừng lại khi họ gặp những bất toại nguyện. Đó là lý do tại sao họ không có khả năng làm phước thiện một cách liên tục.
Đối với tôi, tôi biết được những điểm yếu của những người thực hành, cho nên tôi cố gắng giải quyết giúp đỡ những người đó. Những lời khuyên của tôi không phải dành cho tôi, mà dùng để giải quyết các vấn đề của người khác. Đây là hiểu biết đúng.
Tôi sẽ tiếp tục làm các thiện pháp, cố gắng làm nhiều hơn nữa, dù cho tâm tôi cũng có mệt mỏi. Ngay cả khi nếu có những cảm thọ bất lực, giận dữ, tuyệt vọng, chán nản… tôi vẫn tiếp tục. Đây là cách duy nhất để chiến đấu, để vượt qua những tâm bất thiện để làm những điều thiện lành.
Ở trung tâm Thabarwa Thanlyin có cả ngàn người, có cả người già, các bệnh nhân tâm thần, người nghiện rượu, có cả những người được gọi là người xấu. Nhưng tôi luôn tạo điều kiện, khuyến khích mọi người đến sống ở trung tâm. Tôi sẽ hướng dẫn họ thực hành thiền với một hiểu biết rằng, với sự thực hành này, họ sẽ có khả năng chống chọi và vượt qua những tâm bất thiện đang sinh khởi trong họ.
Quan điểm của tôi, Tâm là điều quan trọng nhất. Tâm quan trọng hơn thân, hơn cả đời sống này. Tôi đã, đang và sẽ cố gắng dùng năng lực của mình để dìu dắt những người già, người bệnh, người tâm thần, người xấu…để họ có nơi nương tựa, để họ có cơ hội làm phước thiện. Từ đó họ sẽ có cơ hội thay đổi tâm tính, thay đổi cuộc đời mình.