Câu hỏi: Thưa Thiền sư, con là một người chủ doanh nghiệp đang điều hành công ty của riêng mình. Con gặp khó khăn trong việc làm cho cấp dưới chịu hợp tác cùng nhau một cách hiệu quả và kéo theo đó, năng suất chung của doanh nghiệp cũng chậm tiến. Ngài điều hành cùng lúc rất nhiều trung tâm trên thế giới, xin Ngài cho con lời khuyên làm sao để cho mọi người cộng tác tốt và phát triển được tiềm năng của doanh nghiệp?
“Làm việc cùng nhau luôn tốt hơn là làm việc một mình. Chỉ làm mà thôi luôn tốt hơn là làm trong sự vô minh và dính mắc. Với hiểu biết đúng đắn như thế, tôi vẫn đang cố gắng hợp tác cùng mọi người càng nhiều càng tốt. Và hơn nữa, tôi làm trong chánh niệm và không dích mắc. Dù khi làm việc một mình hay làm cùng nhiều người, tôi luôn chú trọng việc giữ chánh niệm và xả ly. Xả ly tức là nhận ra sự vô minh và bám níu của chính mình.
Hầu như mọi người không hiểu về phương pháp “chỉ làm mà thôi” và “chỉ làm với chánh niệm và xả ly”. Vì vậy, có lẽ họ chú trọng vào tinh thần đoàn kết, tránh xảy ra tranh chấp nội bộ và xem đó là cách để cộng tác thành công; họ chỉ chấp nhận sự thành công tốt đẹp và không thể chấp nhận bất kỳ thiệt hại hay thất bại nào. Điều mà tôi hiểu từ Pháp không phải là: chỉ có thành công và hòa thuận với nhau. Điều mà tôi hiểu từ Pháp là: có sự đoàn kết lẫn sự bất hợp tác, có sự hòa thuận cộng tác lẫn sự tranh chấp nội bộ, có sự thấu hiểu nhau lẫn sự hiểu lầm nhau. Cả hai mặt thuận và nghịch đều là tự nhiên. Tôi học cách chấp nhận tất cả, dù sức trẻ – tuổi già, sự sống – cái chết, khỏe mạnh – bệnh tật, hội ngộ – phân ly.
Toàn bộ những điều này là tự nhiên, chúng ta không thể thao túng. Nếu ta chối bỏ cái chết, thì không còn sự sống. Nếu ta chối bỏ bệnh tật, thì không còn sức khỏe. Nếu ta chối bỏ thất bại, thì không còn thành công. Chắc chắn là như thế. Vậy nên, tôi chấp nhận tất cả các mặt ấy: tốt và xấu, đúng và sai, mất mát/ thất bại và an toàn/ thành đạt, kể cả sự bất hợp tác, sự tranh chấp nội bộ, mâu thuẫn, hiểu lầm. Và nhờ khả năng biết chấp nhận như thế, tôi đỡ phí thời gian giải quyết những vấn đề đó, tôi có thể tiếp tục làm thiện pháp cùng với những con người khác nhau, điều kiện, thời gian, nơi chốn thay đổi liên tục. Tôi có thể chú trọng vào “chỉ làm trong chánh niệm và xả ly”. Tôi còn có thể truyền dạy cách hiểu và thực hành này cho học trò của mình cũng như nhiều người khác trong xã hội. Cho nên trung tâm Thabarwa trở nên vững vàng và phồn hậu, đó là do khả năng làm thiện pháp cùng nhau trong chánh niệm và xả ly phát triển vượt trội hơn khả năng làm thiện pháp trong vô minh và dính mắc.”