Chia sẻ: Thưa ngài! Con muốn trình bày tình hình về khu nhà Happy Mind – nơi dành cho bệnh nhân tâm thần. Vài tháng trước, khi ngài không có ở đây, tình nguyện viên quốc tế đã trông nom những bệnh nhân đó và hoàn cảnh sống của họ rất tồi tệ. Mọi người bị nhốt 24/24, không thấy ánh sáng mặt trời cũng chẳng được hít thở không khí trong lành dù được bác sĩ xác nhận rằng 100% số bệnh nhân đó không phải là những đối tượng nguy hiểm. Chúng con đã cố gắng thưa chuyện với những người chủ chốt ở Thabarwa về việc này bởi họ cũng là con người, dù bị tâm thần nhưng họ vẫn xứng đáng được ngắm mặt trời, hít thở không khí tươi mát và không bị giam giữ trong phòng 24/24 như vậy. Một cách xử lý đơn giản là khóa cổng rào và mở cửa phòng để họ có thể ra sân chơi, nhưng người có trách nhiệm ở đó lại giữ chìa khoá và không chịu mở cửa. Con biết rằng chúng ta đang thiếu tình nguyện viên bản địa nhưng thiết nghĩ tình cảnh này cần được giải quyết cấp bách.
“Hầu như người dân tại đất nước này quen với các làm đó, không nghĩ đến tự do mà chỉ vì sự an toàn của bệnh nhân. Bệnh nhân ở đây bị trông nom quá mức. Ngay cả bản thân tôi, khi đã nổi danh thì hàng loạt người muốn có cơ hội chăm sóc cho tôi. Tôi chẳng được tự do tí nào, nhưng họ chẳng thấu được nỗi niềm của tôi nên cứ liên tục tìm đến và dâng cúng vật thực bổ dưỡng cũng như thuốc thang các loại. Nếu tôi thuận lòng nhận một lần, họ sẽ thuận đà mà mang đến nhiều hơn. Tôi không thể một mình dùng hết nên đã chia sẻ rất nhiều số thuốc bổ, hay vitamin, thực phẩm chức năng đó với bệnh nhân. Hầu hết mọi người đều như thế, họ quen như vậy rồi, rất thiếu cân bằng. Nếu thích ai, họ sẽ lưu tâm chăm lo chu đáo. Còn nếu không thích, họ sẽ phớt lờ không quan tâm. Để thay đổi thói quen này của họ quả thật không dễ dàng. Tôi cũng phải xử lý vấn đề này nhưng chỉ mới có khả năng cải thiện được một vài thói quen và thật sự cần thêm thời gian. Cần làm nhiều việc hơn nữa mới có thể sửa đổi tập khí và nhận thức của họ; đặc biệt là người già, họ đã dính mắc sâu nặng. Bởi lẽ họ cũng có kinh nghiệm cá nhân nhờ học hỏi từ cha mẹ hay thầy tổ, nên không dễ dàng gì để thay đổi tập quán cố hữu đó. Chúng tôi sẽ tìm giải pháp và cần thêm thời gian. Bên cạnh đó, có quá ít tình nguyện viên mà phần đông là những người đang đi theo tu tập nên họ chưa thiện xảo trong việc lãnh đạo, họ bị giới hạn trong sự nhìn nhận các khía cạnh vấn đề. Đa số mọi người đều làm như thế mà chẳng hề để ý đến cái tâm. Về phía mình, là người thầy hướng dẫn nên tôi chú trọng vào cái tâm, nhờ vậy tôi có thể làm vô số việc. Còn hầu hết mọi người ở đây chỉ quan tâm đến các việc phải làm, tuân theo quy định và yêu cầu của người khác chứ biết cách xử lý linh hoạt… Tôi sẽ đi đến thăm nơi đó và cố gắng thay đổi.”
Chia sẻ: Con muốn cho Ngài biết thêm rằng các tình nguyện viên đã có những động thái rất tích cực. Họ đã tự góp tiền dựng thêm mái che để bệnh nhân có thể ra ngoài mà không bị hắt nắng. Họ sơn lại nhà, kê giường và sắp xếp lại mọi thứ cũng như dành thời gian và tiền của để hỗ trợ bệnh nhân có được cuộc sống tươm tất hơn. Môi trường sống hiện tại của bệnh nhân phần nào cũng đã tốt đẹp. Bây giờ họ chỉ cần được ra ngoài và hít thở không khí trong lành, không còn bị bó buộc trong căn phòng nữa. Con nghĩ sự thay đổi đó là thiết yếu.
“Tôi vận dụng phương pháp chỉ-làm-mà-thôi, không dính mắc cũng không chối bỏ, và phương pháp này thật sự hiệu quả. Nếu muốn tháo gỡ khúc mắc, bạn hãy cố gắng thực hành chỉ-làm-mà-thôi. Bạn cần chỉ ra mặt hạn chế nhưng cũng nên hiểu rằng sự thay đổi là không dễ dàng. Thế nên, bạn cần kiên nhẫn hơn và dìu dắt họ chứ đừng thúc ép. Bạn cần chú trọng vào thực hành tự thân thay vì dẫn dắt người khác. Một trong số tình nguyện viên quốc tế hãy nhận trách nhiệm trông nom những bệnh nhân đó. Và bằng cách thực hành, họ có thể được học hỏi và bắt chước các bạn. Nếu không giải quyết bằng phương pháp thực hành, bạn sẽ không tài nào thấu suốt được. Thật hữu ích khi bạn có thể truyền đạt cho họ, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu bạn cũng thực hành chứ không phải qua những lời nói suông. Bạn cần cố gắng chỉ-làm-mà-thôi. Có thể bước đầu bạn sẽ không gặt được nhiều thành quả nhưng đừng nản chí; hãy tiếp tục nỗ lực và bạn sẽ thành công. Hầu hết khó khăn đều tương quan với văn hoá và bản chất của người dân nơi đây, nhưng để thay đổi được nếp sống và những thói quen đó thì chẳng hề dễ dàng. Nếu nhìn nhận với quan kiến Tây phương thì bạn thấy mình đúng, nhưng nếu suy xét từ khía cạnh của người bản địa thì họ lại đúng. Phần đông người dân ở đây họ chấp nhận với cách làm như vậy và điều đó chưa tối ưu. Thế nên chúng ta hãy cố gắng bổ khuyết và sửa chữa. Đây chính là thiền tập trong đời sống thường nhật. Và tôi đặc biệt chú trọng sự chánh niệm trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu không chánh chiệm, chúng ta chẳng thể thực hành như vậy lâu dài. Còn nếu sử dụng sức mạnh của chánh niệm và xả ly, chúng ta có thể sửa chữa lỗi lầm và giải quyết vấn đề của mọi người nơi đây. Bạn hãy chú tâm thực hành tích cực hơn nữa, không nên dựa vào trí thông minh hay khả năng của mình, chỉ nên nương tựa vào sự thực hành chánh niệm và xả ly.”