Câu hỏi: Kính bạch thiền sư, mong Ngài chỉ dạy cho chúng con cách xử lý cơn đau khi hành thiền. Rất biết ơn thiền sư.
Dính mắc vào cơn đau chính là nguyên nhân thực sự tạo ra cơn đau. Thay vì chú ý đến cơn đau thì chúng ta cần chú ý chánh niệm hơn về sự dính mắc với cơn đau.
Dính mắc là do loại tâm mà chúng ta hiện đang sử dụng. Việc dính mắc với cơn đau đang tạo ra cơn đau trên thân thể. Cuộc đời chúng ta, hay cơ thể nam hay nữ của chúng ta, khỏe mạnh hay đau ốm, trắng hay đen hay nâu, sống lâu hay yểu mạng… Tất cả những điều này được tạo nên bởi vô minh và dính mắc của chính chúng ta. Chúng ta nên làm nhiều thiện pháp hơn nữa với hiểu biết đúng đắn, bằng chánh niệm và xả ly. Nhờ đó chúng ta sẽ biết ngày một nhiều hơn về vô minh và dính mắc của chính mình.
Giờ đây quý vị chỉ có thể thấy cơn đau, quý vị chưa thể thấy được sự dính mắc với cơn đau. Chúng ta nên đổi đối tượng quan sát cho tâm, thay vì quan sát cơn đau thì ta chuyển sang quan sát sự vô minh và dính mắc vào cơn đau. Hầu hết những giảng dạy của tôi đều là về chánh niệm và xả ly. Nhận biết được vô minh và dính mắc là nhờ có chánh niệm và xả ly. Là người tại gia, chúng ta tin vào bản thân và những người sống tại gia khác, nhất là tin vào bác sĩ và thầy bói. Khi là thiền sinh, chúng ta chỉ nên tin vào Phật – Pháp – Tăng, để xả ly khỏi việc tin vào bản thân hay người khác, kể cả bác sĩ hay thầy bói.
Tất cả những người thế tục đều không thể sánh bằng đức Phật – Pháp – Tăng. Trí tuệ và sự thấy biết của Đức Phật là toàn vẹn. Không có sự khiếm khuyết nào, không có lỗi lầm nào. Còn trí tuệ của những người thế tục khác thì không vẹn toàn, nhiều khiếm khuyết. Với hiểu biết đúng đắn này, chúng ta nên xả ly khỏi cái thấy của mình về cơn đau. Đối với người thế tục thì đau là điều gì đó rất tồi tệ. Đối với đức Phật – Pháp – Tăng thì đau chẳng là gì cả, chỉ để sử dụng đơn thuần mà không nắm bắt hay dính mắc trong tâm, để làm mọi loại thiện pháp với hiểu biết đúng đắn.