Câu hỏi: Bạch Ngài! Con hay để ý và e sợ việc mọi người nghĩ gì về con. Con không biết mình cần phải làm gì để có thể cảm thấy an ổn hơn! Xin Ngài cho con một lời khuyên.
Đó là do bạn dính mắc vào những lời bình phẩm. Chắc hẳn bạn cũng hay bình phẩm về người khác và làm cho họ bức xúc. Đó chính là nguồn gốc của những cảm nhận tương tự trong tâm bạn. Vì bạn cũng làm cho người khác phải chịu đựng như thế, những thói quen và hành động của bạn trong quá khứ và hiện tại khiến bạn lưu tâm khi người khác đánh giá ngược lại bạn. Bạn lưu tâm đến chúng vì bạn không thể chịu nổi chúng. Nếu bạn thay đổi thói quen này bằng việc hành thiện liên tục và chấm dứt thói quen bình phẩm về người khác, bạn có thể vượt qua.
Bạn có khả năng làm nhiều việc nhưng chưa đến mức thiện xảo. Do đó bạn hay nghĩ về việc người khác nghĩ gì về mình. Bạn nên chấp nhận rằng việc đánh giá nhau là thói quen cố hữu của loài người. Chúng ta không thể chấm dứt nó, nên chấp nhận nó.
Chỉ nghĩ và nói những gì họ thích mà không màng đến Sự thật vốn là tính xấu của con người. Rất nhiều người mắc phải sai lầm này. Nhưng với những ai không để ý đến người khác và lời bình phẩm đi kèm thì sẽ không là vấn đề gì cả.
Không ai là hoàn hảo nên nếu để ý đến người khác nhiều quá, chúng ta dễ sinh dính mắc vào chuyện ăn, chuyện mặc và gia đình của mình hay của họ…. Cứ như vậy, những vấn đề tương tự sẽ nảy sinh.
Thế nên chúng ta hãy khiến mình bận rộn với việc thực hành mọi loại thiện pháp nhiều nhất có thể. Làm như vậy, ta sẽ không có thời gian bận tâm về người khác. Và rồi ta chắc chắn sẽ có thể kham nhẫn.
Bên cạnh đó, ta hãy bình tâm chấp nhận những lời nói đó, cứ để họ đánh giá ta thỏa thích. Có được cái hiểu này, việc đó sẽ chẳng thành vấn đề đối với bạn nữa.
Bạn nên hiểu rằng bạn đang chịu đau khổ vì những lỗi lầm tương tự bạn đã phạm phải. Hơn thế, họ cũng có thể đang chịu đau khổ tương tự bởi những điều họ gây ra cho người khác. Bạn không cần làm gì cả, chỉ cần hiểu được điều này thôi.
Câu hỏi: Trong quá khứ, con đã làm nhiều việc thiện, hi vọng xoay chuyển nhân quả. Nhưng sự thật thì không có gì thay đổi cả. Mọi người vẫn nói về con rất tệ, do đó con thôi làm thiện pháp và giờ thì con cảm thấy rất bất lực!
Đó là điểm yếu của bạn. Điều thiện bạn làm chưa hẳn là trọn vẹn vì không liên quan đến Tăng, Ni và những thiền sinh phạm hạnh. Rất nhiều người ở trung tâm của chúng tôi, buổi đầu họ cũng tự mình làm việc thiện hoặc cùng những người khác ngoài thế gian. Nhưng họ không thể duy trì được sự thực hành đó. Bởi vì cái hiểu của họ có giới hạn, khả năng của họ cũng có giới hạn. Thế nên, dù làm tốt đến đâu thì những việc họ làm cũng chỉ là chuyện thế gian, dành cho người thế gian, không liên quan đến những hành giả thực hành phạm hạnh. Đó là lí do nghiệp xấu của bạn đã không được hóa giải.
Bạn nên chung tay với Thabarwa ở Việt Nam và ở Miến Điện để có thể thấy được sự khác nhau giữa cộng đồng trong xã hội và những người sống đời phạm hạnh.
Luật nhân quả là có thật và chắc chắn. Nhưng trong xã hội, hầu hết mọi người không có cái hiểu trọn vẹn nên họ thường không tin. Họ chỉ có thể tuân thủ luật pháp nhà nước chứ không tin vào luật nhân quả, nên khi làm việc thiện họ không thực sự chú tâm. Còn những hành giả, khi làm thiện pháp, họ nhấn mạnh luật nhân và quả hơn là luật lệ thế gian. Thế nên khi làm thiện pháp chúng tôi đặc biệt chú trọng những thiện pháp về tâm hơn là thiện pháp về thân hay khẩu. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh việc hành những nghiệp thiện về tâm, nhờ đó sự thực hành này phát huy tối đa oai lực.