Vốn chỉ có nhân và quả mà thôi. Bất kỳ hành động qua thân hành hay ý căn đều gieo nhân và bất kỳ hiện tượng xảy ra trên thân – tâm đều là quả do nhân ấy. Cả nhân và quả này không phải là điều gì hay ai đó, mà chỉ là bản chất vô thường luôn đổi mới. Hai yếu tố nhân và quả chẳng là cái gì hay người nào, không là tôi hay bạn, không phải của tôi hoặc của bạn, chẳng là chúng sinh lẫn phi chúng sinh, không là giới tính đực hay cái, chỉ là bản chất vô thường luôn đổi mới. Có thể chúng ta sẽ chấp nhận những luận điểm như vầy. Hay có thể chúng ta sẽ hiểu được những lý lẽ này. Việc chấp nhận hay không chấp nhận, cũng như việc hiểu hay không hiểu về lý thuyết trên, thì không quan trọng. Điều thật sự quan trọng là hay biết bản chất vô thường qua hành động chấp nhận hay không chấp nhận, hoặc qua sự hiểu hay không hiểu.
Để quán chiếu lý vô thường trong từng khoảnh khắc hiện tại của sự hiểu hay không hiểu, chúng ta phải có khả năng tập trung vào từng khoảnh khắc hiện tại của sự hiểu hay không hiểu bản chất vô thường. Sau khi chúng ta đã có thể hay biết bản chất thay đổi vô thường trong từng khoảnh khắc hiện tại của sự hiểu và biết hay sự không hiểu và không biết, chúng ta nên tập trung vào tâm chánh niệm có mặt trong từng giây phút hiện tại.
Giữ tâm chánh niệm trên cùng một đối tượng thì chưa đủ. Chúng ta nên hướng chánh niệm vào những đối tượng vi tế hơn. Sự có mặt hay thiếu vắng tâm chánh niệm trong khoảnh khắc hiện tại chính là đề mục vi tế và khó nắm bắt nhất. Ngay cả khi chúng ta có thể chú tâm vào một đối tượng hay không thì cũng không quan trọng bằng là việc chỉ-làm hay không-làm-mà-thôi, chỉ-kinh-nghiệm hay không-kinh-nghiệm-mà-thôi. Kiến thức mà chúng ta có được thì hạn hẹp, chúng sẽ bao hàm việc hiểu hay không hiểu do việc vận dụng trí thông minh hạn hẹp. Liễu tri về Sự thật này thì quan trọng hơn sự hiểu hay không hiểu tri thức. Kiến văn qua đọc hiểu hoặc lắng nghe thì chưa đủ. Chúng ta nên cố gắng quán xét qua kinh nghiệm thực hành.
Sayalay Pañca Khandha ghi – Sadhamma Nani dịch