“Chúng ta cần kiên nhẫn với những sai lầm của bản thân và của người khác. Rất khó để sửa chữa sai lầm. Hiện tại không phải thời điểm tốt, rất khó để có thể tiếp tục thực hành thiện pháp. Hầu hết các trung tâm thiền đều đã đóng cửa vì virus nhưng ở đây chúng ta vẫn cố gắng hành thiện một cách liên tục. Đó là mục tiêu chính và chúng ta đã trở nên thiện xảo trong việc này, không cần phải đóng cửa trung tâm. Theo cách này, về lâu dài, sẽ ngày càng nhiều người có cơ hội làm pháp thiện liên tục nhờ việc sử dụng các Trung tâm Thabarwa trên toàn thế giới, trú lại đó. Hoặc ngay cả khi không thể cùng tham gia, mọi người có thể học hỏi từ những gì chúng ta đang làm, về những gì đang xảy ra ở trung tâm và hiểu bằng trải nghiệm của họ, bằng sự thực chứng cá nhân.
Chúng tôi cũng đang nỗ lực cho những người nghiện ma túy. Có một trung tâm ở Tachileik trong khu vực Tam giác vàng [cửa ngõ biên giới giữa Miến Điện, Thái Lan và Lào, điểm nóng về tội phạm ma túy]. Chúng tôi chấp nhận những người nghiện ma túy, họ xuất gia hoặc làm tình nguyện viên, nhưng họ vẫn chưa thể buông bỏ. Họ đi khất thực, làm thiện nguyện, và vẫn tiếp tục sử dụng ma túy. Nhưng chúng tôi chấp nhận điều đó. Nếu nhìn bằng lăng kính của nhân gian, có thể thấy rằng chúng tôi đã thua, thiện pháp này không thành tựu. Nhưng chúng tôi không từ bỏ, vẫn tiếp tục duy trì thiện pháp này, đây là phương pháp mà tôi đang ứng dụng. Chúng tôi đang tìm hiểu về các con nghiện bằng kinh nghiệm của chính mình, còn họ được học về việc làm thiện pháp và thiền tập khi sống tại trung tâm Thabarwa. Chúng ta càng biết nhiều về họ, họ cũng càng biết nhiều về chúng ta. Theo cách này, Pháp học, Pháp hành và làm thiện pháp sẽ dần thay đổi thói quen và cuộc sống của những người nghiện ma túy đó, chắc chắn vậy, tuy sẽ cần nhiều thời gian. Sẽ có nhiều tổn thất vì những sai lầm của những người nghiện trong trung tâm. Nhưng nếu không từ bỏ, nếu có thể chấp nhận, nếu có thể hy sinh, nếu có thể chịu đựng, chúng ta chắc chắn sẽ có được thành công. Nếu họ không ở trong trung tâm thiền, họ không thể biết về việc thực hành thiện pháp và họ chắc chắn sẽ không thể thay đổi. Đây là làm việc cùng nhau, cùng nhau chiến đấu không ngừng thông qua việc đến và sống tại trung tâm thiền.
Vì những người nghiện ma túy này, chúng tôi đã phải chuyển trung tâm hết nơi này đến nơi khác. Những cộng cồng dân cư xung quanh không thể chấp nhận, không thể dung chứa những người nghiện ma túy, họ khiếu nại với chính quyền địa phương. Đến giờ chúng tôi đã di chuyển khoảng bốn nơi, nhưng chúng tôi không từ bỏ, chúng tôi tiếp tục làm thiện pháp. Hiện tại đã trở nên ổn định hơn mặc dù còn rất nhiều khó khăn. Thậm chí chúng tôi còn phải bỏ đi cả một tòa nhà vừa xây xong vì bị buộc phải dời đi. Dù đã cố gắng giải quyết, nhưng vì những người nghiện ma túy mà chúng tôi phải chuyển đi. Nhưng chúng tôi chấp nhận, tiếp tục làm thiện pháp, không chối từ ai cả. Nhờ vậy chúng tôi dần trở nên gắn bó. Nhờ làm việc cùng nhau, chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn. Khi bất cứ ai đó trong số họ buông bỏ được ma túy, có nghĩa là họ ở cùng phe với chúng tôi, phe của phước báu và thiện pháp. Rồi sau đó, chắc chắn người ấy có thể trở thành lãnh đạo của dự án đó. Chỉ cần chuyển hóa một con nghiện trở thành một người lãnh đạo, từ đó sẽ không còn khó khăn nữa.
Câu hỏi: Xin chào Sayadaw! Lắng nghe lời dạy của Ngài, con hiểu tầm quan trọng của việc thay đổi từ tà kiến sang chánh kiến. Nhưng làm thế nào để một người thậm chí không một có tí kỷ luật nào, đến một điếu thuốc còn không bỏ được, lại có thể hiểu được sự thật?
– “Lý thuyết, kỷ luật hay luật pháp và những quy định cần được chuẩn hóa bởi vì đó chính là mục tiêu, là đích đến. Còn việc thực hành chỉ là thực hành. Ngay cả khi chúng ta biết cái gì tốt, cái gì đúng, cũng thật khó để có thể thực hành. Việc đó sẽ cần nhiều thời gian. Nếu ai cũng có thể ngay lập tức ứng dụng hoàn toàn thì đã không cần đến cần trung tâm thiền. Đó là những trung tâm huấn luyện. Bởi vì hầu hết mọi người đều không biết được đâu là đúng nên mới cần có những trường học. Và cũng vì, không phải ai cũng có thể thực hành những điều được học, nên chúng ta mới cần có những trường thiền. Theo thời gian, ngày càng nhiều người sẽ có thể thực hành.
Việc thực hành ở đây đang phát triển. Ban đầu nó thực sự rất tệ nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục làm thiện pháp. Đây là một cuộc tranh đấu giữa tốt và xấu, giữ hành động đúng và sai. Khi chúng ta càng có thể làm những điều tốt và đúng đắn, chắc chắn sẽ càng ít những hành động và sự hiểu biết sai lầm. Đừng chấp giữ. Việc trì giới là để chỉ-sử-dụng-mà-thôi, không phải để chấp giữ. Tôi không chấp giữ. Chắc chắn sẽ có sự phá giới trong trung tâm này, những nơi khác cũng vậy. Không có tổ chức nào là hoàn hảo. Ngay cả trong lĩnh vực chính trị, họ đặt ra luật pháp và những quy định, nhưng chính họ cũng thường xuyên phá vỡ những quy tắc đó. Chỉ cần chúng ta có thể chấp nhận được điều này, sẽ thấy mọi thứ ổn cả thôi. Miễn là năng lực của việc trì giới còn trấn áp được năng lực của việc phạm giới, thế là đủ. Đó là những gì chúng ta nên hiểu: không ai hoàn hảo, không có gì là hoàn hảo, vì vậy không cần ép mình phải hoàn hảo.
Chẳng một tổ chức nào là trọn vẹn cả. Chúng ta không nên chối bỏ Sự thật: không có gì là vĩnh viễn, không có gì là trọn vẹn; bằng cách này chúng ta có thể liên tục làm thiện pháp. Một số người có thể có cái hiểu đúng; số khác có thể không hiểu được sự thật; một số có thể làm điều thiện; một số lại không thể làm điều thiện. Chúng ta nên nhấn mạnh cả vào cả hai đối cực tốt và xấu, đúng và sai. Điều mà chúng ta cần cố gắng, cần nhấn mạnh là nhận được năng lượng mạnh mẽ hơn từ cái hiểu đúng và hành vi đúng. Thế là đủ. Thế là trọn vẹn!””
Câu hỏi: Tôi biết là hãy tự quan sát chính mình chứ không nên nhìn vào những người khác. Nhưng tôi không tài nào chấp nhận nổi những người không quan tâm đến sức khỏe của người khác và buộc người khác chịu đựng khói thuốc của họ trong tòa nhà. Tôi đã giải thích, đã yêu cầu đủ kiểu, vậy chẳng lẽ tôi cứ phải “chịu đựng” như cách mà Ngài nói?
“Nếu chúng ta nghiêm túc thực hành việc làm những điều tốt, chắc chắn sẽ gặp nhiều chướng duyên. Đó là bản chất tự nhiên. Không có thử thách sẽ không có thành công. Trong thực tế xã hội, dường như mọi người không có cơ hội thực hành pháp thiện một cách nghiêm túc, nên họ không gặp phải nhiều khó khăn. Tại nơi này, chúng tôi đang giúp mọi người rất nghiêm túc, cũng rất nghiêm túc trong hành thiền nên chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều phiền toái, xáo trộn, tranh chấp. Bởi vì ta thật sự đang làm rất nhiều những việc tốt. Bên cạnh đó, cần hiểu rằng chúng ta phải nhận lại quả đắng từ mọi nghiệp bất thiện đã gây. Bây giờ bạn cảm thấy phiền bởi khói thuốc, bởi tiếng ồn mà những người khác chưa chắc cũng cảm thấy phiền như bạn. Rất có thể là do trước đây bạn đã từng gây ra những phiền toái cho người khác, cũng giống như những người đang gây ra cho bạn bây giờ đấy thôi!”